MSB chưa có thông tin về hợp nhất sáp nhập trước thềm đại hội đồng cổ đông

MSB chưa có thông tin về hợp nhất sáp nhập trước thềm đại hội đồng cổ đông

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Trước giờ chính thức diễn ra ĐHCĐ thường niên 2023, MSB đã chủ động công bố thông tin với nhiều nội dung, nhưng không có thông tin về hợp nhất sáp nhập.

MSB cho biết, với việc tập trung đầu tư số hóa, quy trình thẩm định, phê duyệt, giải ngân online đã góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của MSB trong mảng tín dụng và đóng góp không nhỏ trong tổng mức tăng trưởng tín dụng 16,35% cho năm 2022 tính riêng mảng ngân hàng.

Tăng trải nghiệm tốt cho khách hàng cũng giúp MSB giữ vị thế top 5 ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền cao nhất trên thị trường, với mức trung bình năm 2022 đạt 36%. Đây là cơ sở để ngân hàng tối ưu chi phí huy động vốn, tạo nền tảng để nâng biên lãi thuần (NIM) lên mức 4,5% trong bối cảnh thị trường chung bị ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng tăng lãi suất nửa cuối năm ngoái.

Theo đó, giai đoạn từ 2023 đến 2025, MSB sẽ tiếp tục đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho mảng công nghệ, hiện thực hóa mục tiêu 70 đến 80% giao dịch được thực hiện trên kênh số, đồng thời giảm thời gian sản phẩm ra mắt thị trường xuống 4 tuần/sản phẩm.

Tại ĐHCĐ, MSB sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2023 với phương án lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong năm 2023, MSB đã quyết định trình ĐHCĐ phương án tạm thời không chia cổ tức để tạo nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Dự kiến, khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, ngân hàng sẽ trình bổ sung phương án.

MSB cho biết: “Tại quý I/2023 - quý đầu năm là chu kỳ mang tính “thăm dò”, ngân hàng lựa chọn hướng đi chắc chắn, lắng nghe và quan sát phản ứng của thị trường để đưa ra kế hoạch phù hợp cho giai đoạn tiếp theo”.

Năm 2022, Ngân hàng ghi nhận tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR riêng lẻ) đạt mức 68,77% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của mảng ngân hàng được kiểm soát ở mức 23,57% (so với yêu cầu 37%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo thông tư 41 đạt 12,33%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL mảng ngân hàng) theo thông tư 11/NHNN đang ở mức 1,21%.

Trong bối cảnh thị trường năm 2022 diễn biến khó đoán định, Ngân hàng giữ mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 14% so với năm 2021, đảm bảo tăng trưởng lành mạnh và hiệu quả. Hoạt động tín dụng cũng được chuyển dịch theo xu hướng giảm cho vay bất động sản, tăng cường giải ngân cho các ngành ít chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn như sản xuất, thương mại, năng lượng sạch…

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/4, cổ phiếu MSB đứng tại mức giá 12.350 đồng/CP.

Tin bài liên quan