Theo ông Quang, trong 5 tháng đầu năm, MPC đạt sản lượng 23.147 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 19.466 tấn tăng 11,58% với giá trị 225,814 triệu USD chỉ tăng 1,66% so với cùng kỳ do giá tôm giảm. Thị trường nội địa tiêu thụ tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận su thuế đạt 330 tỷ đồng trên kế hoạch 990 tỷ đồng.
Các năm trước, giá tôm nguyên liệu cao hơn các nước trong khu vực 20%. Năm nay, nhờ phương pháp nuôi theo công nghệ mới nên giá tôm chỉ còn cao 5 - 10% nên lợi nhuận của các nhà máy chế biến như Minh Phú đạt tỷ suất cao hơn.
MPC cho biết, năm nay sẽ chốt chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 và phát hành riêng lẻ 600 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Vốn huy động được sử dụng đầu tư phát triển khu phức hợp đô thị - nuôi trồng chế biến kinh doanh thủy sản quy mô 10.000 ha. MPC hiện chiếm 6% thị phần tôm thế giới, đứng hàng đầu và đặt mục tiêu nâng lên 25% thị phần trong dài hạn khi đầu tư thành công dự án mới.
Ông Quang cho biết, MPC đã mua công nghệ của nước ngoài để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nuôi tôm. Theo đó, việc tính toán các thông số để đưa ra quyết định cho tôm ăn, bơm o xyy hay điều chỉnh độ PH… do máy tính quyết định. Dự kiến, sang năm 2019 MPC sẽ ứng dụng công nghệ này trong toàn hệ thống 900 ha nuôi tôm của Tập đoàn hiện nay.
Ông Quang cũng tiết lộ, trong 2 ngày đầu tháng 6 đã ký hợp đồng xuất khẩu 2.500 tấn tôm giá trị 28 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu trong các tháng tới sẽ tăng lên để chuẩn bị cho mùa Noel ở các thị trường xuất khẩu.
MPC đã từng hủy niêm yết trên HOSE để chào bán cổ phần tỷ lệ chi phối cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhưng thương vụ bất thành do vẫn còn hơn 1.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ cổ phiếu, khiến MPC vẫn là công ty đại chúng chịu giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại.
Theo những quy định mới về nới room, MPC sẽ đề xuất nâng room lên 100%. Giá cổ phiếu MPC giao dịch trên UPCoM là 80.000 đồng/cổ phần.