TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Một triệu doanh nghiệp không quá xa vời

Bình luận về Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ trình Quốc hội vào ngày mai, 8/11, TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế hy vọng, con số 1 triệu doanh nghiệp không quá xa vời nếu Quốc hội sớm thông qua Luật.

Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về định nghĩa thế nào là DNNVV, trong khi Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV căn cứ vào lao động và vốn thì Bộ Tài chính lại căn cứ vào doanh thu để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Quan điểm của ông thế nào?

Tiêu chí xác định DNNVV trong Dự thảo Luật kế thừa quy định của Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV. Theo đó, tùy thuộc vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ, doanh nghiệp được chia ra làm 3 loại là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, căn cứ vào số lao động hoặc tổng nguồn vốn.

Cũng có ý kiến cho rằng, tiêu chí xác định doanh nghiệp nên căn cứ vào doanh thu như cách mà Bộ Tài chính đang đề xuất để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho đối tượng này từ 20% xuống còn 17%. Theo đó, nếu lấy tiêu chí doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm thì cả nước có 86,2% doanh nghiệp được coi là DNNVV; nếu lấy tiêu chí doanh thu không quá 100 tỷ đồng/năm thì số DNNVV chiếm 95,2% tổng số doanh nghiệp.

Hiện có khoảng hơn 30% DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, gần 70% còn lại phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí và rủi ro rất cao.

Tôi cho rằng, nếu căn cứ vào doanh thu để xác định DNNVV có hạn chế là doanh thu thường xuyên thay đổi, tăng giảm mạnh phụ thuộc vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự biến động của thị trường, đặc biệt đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Cũng có đề xuất sử dụng tổng hợp các tiêu chí: doanh thu, số lao động, nguồn vốn. Tôi cho rằng, cách này phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức hỗ trợ SME. Vì vậy, nên xác định tiêu chí DNNVV như hiện nay (vốn hoặc lao động) vì cách này được sử dụng từ năm 2009 đến nay chưa phát sinh vướng mắc.

Căn cứ vào vốn hoặc lao động xác định DNNVV để có chính sách hỗ trợ, theo ông, điều này có nghĩa là không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?

Tôi cũng muốn đặt ra câu hỏi cho Ban soạn thảo là nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện về vốn hoặc lao động thì có được hỗ trợ như DNNVV trong nước hay không. Thực tế, chúng tôi cũng đã gặp trường hợp này.

Cụ thể, triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Học viện Cán bộ TP.HCM mở lớp đào tạo, hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp miễn phí, có một doanh nghiệp Nhật Bản cũng tham gia vì cho rằng, họ cũng đáp ứng yêu cầu (hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.HCM và thành lập trong vòng 3 năm trở lại đây) và có quyền được hỗ trợ.

Một trong những khó khăn lớn nhất của DNNVV, như ông biết là thiếu vốn. Khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực liệu có giải quyết được bài toán này?

Hiện có khoảng hơn 30% DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, gần 70% còn lại phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí và rủi ro rất cao.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay đối tượng này tính đến 31/12/2015 đạt 1.052.000 tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. Còn trong giai đoạn 2011 - 2015, đối tượng này chỉ chiếm trung bình 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế từ tất cả các nguồn gồm tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay bất động sản, cho vay xuất khẩu, cho vay trong công nghiệp hỗ trợ…

"Chỉ cần 20-30% số hộ kinh doanh hiện nay chuyển thành doanh nghiệp thì con số 1 triệu doanh nghiệp không phải là quá xa vời"

- TS. Trần Hoàng Ngân.

Dự luật đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV như gia nhập và rút khỏi thị trường, thuế khóa, công nghệ, mặt bằng sản xuất, phát triển nguồn nhân lực… nhưng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn ngân hàng bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc luật hóa Quỹ Phát triển DNNVV và Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Vướng mắc lớn nhất trong việc tiếp cận vốn ngân hàng là DNNVV không có hoặc không đủ tài sản thế chấp. Thưa ông, làm sao ngân hàng dám cho vay khi DNNVV không có tài sản thế chấp?

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, ngoài yêu cầu khách hàng chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính, mục đích sử dụng vốn hợp pháp… tổ chức tín dụng còn yêu cầu khách hàng bảo đảm tiền vay. Với quy định này, nếu DNNVV không có tài sản bảo đảm tiền vay mà ngân hàng cho vay sẽ bị quy vào tội cố ý làm trái quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, nên không ngân hàng nào dám cho vay.

Để giải quyết nút thắt này, Luật Hỗ trợ DNNVV nên quy định, tổ chức tính dụng căn cứ vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có thể cho vay không cần tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, luật cũng quy định cụ thể điều kiện tạo thuận lợi cho DNNVV vay vốn thông qua thiết kế điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay phù hợp với khả năng thanh toán của DNNVV; đa  dạng hóa các hình thức cấp tín dụng phù hợp với nhu cầu vốn của DNNVV.

Với quy định như vậy, tôi tin rằng, nút thắt về vốn đối với DNNVV sẽ được gỡ bỏ vì trên thực tế ngân hàng cũng kinh doanh nên rất muốn cho vay, còn với DNNVV, lãi suất không phải là vấn đề lớn mà vấn đề là có tiếp cận được vốn hay không mà thôi.

Với những chính sách trên, ông có hy vọng con số 1 triệu doanh nghiệp sẽ đạt được trong thời gian tới?

Cả nước có khoảng 2 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động đã được cấp mã số thuế. Rất nhiều hộ kinh doanh hoạt động với quy mô tương đối lớn, nhưng họ không thành lập doanh nghiệp vì được thực hiện cơ chế khoán thuế đơn giản, không phải tuân thủ các quy định về hóa đơn, chứng từ, không phải nộp bảo hiểm cho người lao động… Nhưng với các cơ chế hỗ trợ DNNVV đủ hấp dẫn, đồng thời Nhà nước hỗ trợ thủ tục cho họ chuyển thành doanh nghiệp; cho phép họ được áp dụng chế độ kế toán đơn giản, thuận tiện; đào tạo miễn phí khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… thì sẽ có rất nhiều hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Chỉ cần 20-30% số hộ kinh doanh hiện nay chuyển thành doanh nghiệp thì con số 1 triệu doanh nghiệp không phải là quá xa vời.

Tin bài liên quan