Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiều giải pháp chặn SIM rác
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông di động đã và đang triển khai các biện pháp thông báo đề nghị các thuê bao rà soát, xác minh, làm rõ các SIM mình đang sử dụng từ đó giúp xử lý các SIM có thông tin không đúng quy định. Người sử dụng di động cũng có thể đề nghị loại bỏ thông tin của mình khỏi các thuê bao không đúng.
Kết quả, từ 1/3 đến hết 31/3/2024, Cục Viễn thông ghi nhận khoảng 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng 7,9 triệu SIM thuộc tập thuê bao có từ 4 đến 9 SIM và đã có khoảng 1.200 số thuê bao phản ánh tới các doanh nghiệp viễn thông, thắc mắc về số SIM lạ mà mình đang sở hữu. Trong số đó có khoảng 200 số thuê bao đã bị khóa.
Trước đó, nhằm bảo đảm bí mật thông tin cho người sử dụng theo nguyên tắc là cá nhân, tổ chức chỉ kiểm tra được thông tin của số thuê bao của mình, không kiểm tra được thông tin của các thuê bao khác theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, trên cơ sở trao đổi, thống nhất đề xuất của các nhà mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các nhà mạng nghiên cứu, thay đổi cú pháp tra cứu từ (TTTB thành TTTB + số giấy tờ gửi 1414). Đồng thời, yêu cầu các nhà mạng trong bản tin trả về phải gửi kèm Danh sách các số thuê bao mà Số giấy tờ đang đứng tên đăng ký sử dụng.
Qua kết quả kiểm tra thống kê cho thấy, các nhà mạng đã nhận được 6 triệu lượt tin nhắn đến tổng đài 1414.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nhằm tăng cường quản lý SIM điện thoại, giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng SIM có thông tin không đúng quy định (SIM rác) thực hiện các hành vi phát tán cuộc gọi rác và các hành vi vi phạm pháp luật (quảng cáo, cho vay nặng lãi, giới thiệu vay vốn…) gây phiền hà cho người dân, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể như chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn, 50.000 thuê bao lừa đảo.
Năm 2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 10 triệu thuê bao thuộc tập sử dụng 01 giấy tờ tùy thân để đứng tên hơn 10 SIM/01 giấy tờ, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 24/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), các điều, khoản trong Luật đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.
Năm 2023, Bộ đã tổ chức 82 đoàn thanh tra do Bộ và các sở thông tin và truyền thông thành lập tiến hành thanh tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao trên địa bàn cả nước đối với 8 doanh nghiệp viễn thông di động; chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; các tổ chức/cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM bất thường, hiện nay đang hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra xử lý vi phạm.
Theo đó, trước ngày 15/4/2024, doanh nghiệp viễn thông phải hoàn thành xử lý toàn bộ các SIM có dấu hiệu tồn kênh, bảo đảm tất cả các Sim được bán tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không nhập sẵn thông tin thuê bao trước khi kích hoạt. Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM của doanh nghiệp mình được kích hoạt sẵn, mua, bán, lưu thông.
Trường hợp phát hiện SIM thuê bao được bán, cung cấp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có sẵn thông tin thuê bao trước khi kích hoạt, đưa vào sử dụng; được kích hoạt, đưa vào sử dụng nhưng có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…,
Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông giao Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm (với mức xử phạt cao nhất (đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới) đồng thời Bộ có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của doanh nghiệp vi phạm.