Một số thực tiễn và khó khăn khi áp dụng Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần từ năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2022, khi tổng số vốn FDI đăng ký đạt gần 27,72 tỷ USD, mức giải ngân 22,4 tỷ USD, tăng gần 13.5% so với cùng kỳ 2021.
Một số thực tiễn và khó khăn khi áp dụng Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần từ năm 2022

Với xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế, Việt Nam và các quốc gia có hoạt động thương mại đã ký kết các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy hoạt động kinh tế, giao thương xuyên quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thương thảo và ký kết các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế (Hiệp định) với 80 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới với các mục đích chính: (a) miễn, giảm số thuế phải nộp tại Việt Nam cho các đối tượng cư trú của nước ký kết hiệp định; hoặc (b) khấu trừ số thuế mà đối tượng cư trú Việt Nam đã nộp tại nước ký kết hiệp định vào số thuế phải nộp tại Việt Nam, (c) tạo khuôn khổ pháp lý để người nộp thuế, các cơ quan thuế tuân thủ và thực hiện, (d) đảm bảo một khoản thu nhập không bị đánh trùng thuế 02 lần bởi các quốc gia có liên quan.

Tại Việt Nam, mặc dù cơ chế áp dụng Hiệp định đã được quy định cụ thể, tuy nhiên, thực tế việc áp dụng miễn, giảm thuế đối với khoản thu nhập nhận từ Việt Nam của các cá nhân, công ty, đối tác nước ngoài còn gặp nhiều thách thức, thậm chí bị từ chối bởi cơ quan thuế.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trao đổi thêm về (i) Cơ chế miễn, giảm thuế do Hiệp định mang lại đối với thu nhập của đối tác là công ty, tổ chức nước ngoài (công ty nước ngoài), (ii) Những trở ngại trong quá trình xử lý Hồ sơ áp dụng miễn, giảm thuế tại Việt Nam, (iii) Các lưu ý cần thiết doanh nghiệp cần chú trọng trong quá trình áp dụng miễn, giảm thuế thu theo Hiệp định.

Lợi ích từ cơ chế áp dụng Hiệp định tại Việt Nam

Về nguyên tắc, Hiệp định sẽ loại bỏ việc đánh thuế trùng giữa hai quốc gia tham gia ký kết Hiệp định song phương. Thông thường, thu nhập của công ty nước ngoài, không hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam, sẽ có cơ hội được áp dụng miễn khấu trừ, nộp thuế thu nhập tại Việt Nam. Áp dụng hiệu quả Hiệp định sẽ giảm chi phí thuế, tạo ưu thế cạnh tranh và xúc tiến hoạt động thương mại với đối tác.

Việc áp dụng miễn, giảm thuế trên thu nhập của công ty nước ngoài tại Việt Nam phải được thực hiện thông qua các bước (i) Nộp hồ sơ, đề nghị áp dụng Hiệp định đến cơ quan thuế của bên Việt Nam, (ii) Kê khai miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trên tờ khai thuế nhà thầu nước ngoài bởi bên Việt Nam và (iii) cơ quan thuế thực hiện thanh kiểm tra Đề nghị áp dụng Hiệp định.

Từ năm 2022, cơ quan thuế Việt Nam nhận đề nghị áp dụng miễn, giảm thuế theo Hiệp định sẽ có trách nhiệm phản hồi trong vòng 40 ngày khi nhận đề nghị miễn giảm thuế theo Thông tư 80/2021/BTC là một bước tiến mới trong quy trình quản lý thuế.

Một số vướng mắc, trở ngại chính trong thực tế áp dụng Hiệp định

Mặc dù cơ chế áp dụng Hiệp định tại Việt Nam khá rõ ràng, tuy nhiên, trong thực tế, cơ quan thuế thường kéo dài thời gian xem xét Hồ sơ, đề nghị áp dụng Hiệp định, dẫn tới người nộp thuế gặp khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ và thuế phải nộp.

Đề nghị áp dụng Hiệp định sẽ được nộp đến cơ quan thuế Việt Nam, là các Cục/Chi Cục thuế ở các tỉnh, thành khác nhau, dẫn đến hệ quả là các thủ tục, phương án phê duyệt Đề nghị không đồng nhất giữa các địa phương, gây khó khăn cho đối tác nước ngoài có phát sinh thu nhập tại nhiều tỉnh, thành khác nhau.

Thực tế cho thấy, thời gian xem xét và phê duyệt áp dụng Hiệp định có thể kéo dài hơn so với 40 ngày theo quy định. Do đó, trong công tác thương thảo hợp đồng, các bên cần lưu ý đến (i) thảo luận và quy định về thời hạn các bên có được phê duyệt miễn, giảm thuế của cơ quan thuế, (ii) giá trị miễn giảm lớn trên: thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn, cung cấp hệ thống máy móc dây chuyền và lắp đặt tại Việt Nam.

Điểm đáng lưu ý, phản hồi của cơ quan thuế trên Đề nghị áp dụng Hiệp định chưa phải là phán quyết miễn, giảm thuế cuối cùng. Thay vào đó, việc nghĩa vụ thuế chỉ được xử lý trong quá trình thanh kiểm tra bởi cơ quan thuế quản lý cũng là một vấn đề đáng lưu ý.

Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ thông tin, kinh doanh trên nền tảng số xuyên quốc gia thì dường như cơ chế quản lý thuế đối với việc áp dụng Hiệp định hiện nay tại Việt Nam chưa thể bắt kịp. Điều này dẫn đến hệ lụy là các Đề nghị áp dụng Hiệp định khả năng thành công không cao, gây nhiều vướng mắc cho đối tác nước ngoài.

Lưu ý cần thiết khi áp dụng miễn, giảm thuế theo Hiệp định

Áp dụng miễn giảm thuế tại Việt Nam đòi hỏi cả doanh nghiệp Việt Nam, đối tác nước ngoài lẫn cơ quan thuế xét xét cụ thể các cả hình thức và bản chất cụ thể:

- Bên bán có thực sự cư trú thuế tại nước ký kết Hiệp định;

- Thu nhập bên bán có được từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam có thỏa mãn điều kiện miễn, giảm thuế;

- Dịch vụ, hàng hóa có thực sự được cung cấp bởi bên bán, bên bán có chức năng và nguồn lực để cung cấp hay không;

- Liệu rằng giao dịch có được tạo ra, hay chuỗi các công ty có được lập ra để tối đa hóa lợi ích thuế được miễn giảm tại Hiệp định không.

Cuối năm 2021, Việt Nam cùng với 135 quốc gia khác tham gia Công ước đa phương về thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận, cũng như tuân theo các hướng dẫn của BEPS, OCED về trụ cột 1 – Thuế đối với nền kinh tế số, và Trụ cột 2 – Thuế tối thiểu toàn cầu. Trong thời gian tới, việc áp dụng các Hiệp định có khả năng sẽ thay đổi và bị ảnh hưởng bởi các thỏa thuận song phương, doanh nghiệp cần kịp thời cập nhật các thay đổi về quy định nhằm nâng cao khả năng tận dụng được các ưu đãi do Hiệp định mang lại.

Do tính chất phức tạp của việc áp dụng miễn, giảm thuế tại Việt Nam, việc hoạch định (i) về chi phí thuế, miễn giảm thuế, (ii) thương thảo điều khoản trên hợp đồng, (iii) phương án làm việc với cơ quan thuế nên được xem xét ngay khâu soạn thảo hợp đồng. Ngoài ra, công ty cũng nên nắm rõ về quy định, rủi ro thuế tìm tàng để có phương án khắc phục, xử lý kịp thời với cơ quan thuế, cũng như giải quyết các tranh cãi về thuế với bên bán bên ngoài Việt Nam.

Tin bài liên quan