Về loại chứng quyền
Tại hầu hết các thị trường chứng quyền phát triển khu vực châu Á, chứng quyền mua (call) thường phổ biến hơn chứng quyền bán (put), chiếm khoảng hơn 70% tổng số lượng chứng quyền phát hành.
Thông lệ quốc tế tại Đài Loan cho thấy, sản phẩm chứng quyền mua (call warrant) được lựa chọn để triển khai vào năm 1997 khi thiết lập thị trường chứng quyền và 6 năm sau mới triển khai chứng quyền bán (put warrant).
Lý do chứng quyền mua được lựa chọn triển khai trước là để phù hợp với điều kiện thị trường Đài Loan khi đó và khá giống với thị trường Việt Nam trong thời điểm hiện tại, do đó thiếu đi các công cụ để phòng hội rủi ro (hedging) cho put warrant (option), hoặc chưa cho phép short-sell (bán khống). Đây là một lộ trình triển khai phù hợp để áp dụng tại thị trường chứng quyền Việt Nam.
Về tài sản cơ sở
Chứng quyền có thể được xây dựng trên nhiều loại hàng hóa cơ sở khác nhau như cổ phiếu, ETF, chỉ số, hàng hóa thông thường, tiền tệ… Tùy vào điều kiện và đặc thù của mỗi thị trường, việc lựa chọn loại hàng hóa cơ sở nào cho chứng quyền sẽ phụ thuộc vào loại hàng hóa đang được giao dịch phổ biến trên thị trường trong thời điểm đó và tại một số quốc gia trong khu vực, cũng như thế giới.
Thông thường, trong giai đoạn đầu triển khai chứng quyền, tài sản cơ sở đầu tiên thường được lựa chọn chính là cổ phiếu, tiếp theo là chỉ số và các loại tài sản cơ sở khác. Tại Việt Nam, chứng quyền cũng cần được dựa trên các loại chứng khoán thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, dự kiến các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí về vốn hóa, thanh khoản, hoạt động kinh doanh…, sẽ là tài sản cơ sở cho chứng quyền tại Việt Nam.
Về tổ chức phát hành
Tại các thị trường chứng khoán trên thế giới, tổ chức phát hành chứng quyền có thể là các ngân hàng đầu tư hoặc công ty chứng khoán đã có nhiều năm hoạt động và kinh nghiệm về các sản phẩm cấu trúc cũng như thị trường phái sinh. Tuy nhiên, do đặc thù tại Việt Nam hiện chỉ có các công ty chứng khoán đáp ứng các điều kiện về năng tài chính, hệ thống và nhân sự mới được trở thành tổ chức phát hành chứng quyền.
Bên cạnh đó, để đảm bảo khả năng thanh toán của tổ chức phát hành đối với người sở hữu chứng quyền, cũng như cung cấp thanh khoản cho thị trường, tổ chức phát hành phải ký quỹ đảm bảo thanh toán trước khi thực hiện phát hành chứng quyền, đồng thời phải thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro và tạo lập thị trường theo quy định.
Tháng 9 dự kiến giao dịch sản phẩm chứng quyền đầu tiên
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc triển khai sản phẩm chứng quyền tại Việt Nam, trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cùng với Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và các thành viên thị trường khẩn trương thực hiện các công tác triển khai như xây dựng khung pháp lý, khảo sát học tập kinh nghiệm tại một số thị trường nước ngoài, chỉnh sửa và xây dựng hệ thống phục vụ giao dịch và tuyên truyền phổ biến kiến thức cho thành viên thị trường và các nhà đầu tư.
Đến nay, về cơ bản, mọi công tác triển khai đang theo đúng tiến độ, dự kiến trong tháng 6 tới, toàn bộ các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các quy chế của Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sẽ được chính thức ban hành, để đến tháng 9 năm nay sẽ có sản phẩm chứng quyền đầu tiên được niêm yết và giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các cơ quan quản lý và thành viên thị trường kỳ vọng, chứng quyền sẽ là sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư, góp phần hoàn thiện cấu trúc hàng hóa trên thị trường và thu hút vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán.