Một số chi phí thực phẩm đang bắt đầu giảm, nhưng giá vẫn ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi giá lương thực tăng cao tiếp tục tàn phá toàn cầu, người tiêu dùng đang tìm thấy một số điều ngược lại với giá dầu ăn, cà phê và bơ.
Một số chi phí thực phẩm đang bắt đầu giảm, nhưng giá vẫn ở mức cao

Dữ liệu giá thực phẩm mới nhất cho thấy, giá của những mặt hàng thực phẩm này đang bắt đầu giảm xuống nhưng vẫn ở mức tương đối cao.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, dữ liệu hàng hóa nông nghiệp Tridge cho thấy, giá dầu hướng dương và dầu cọ Ấn Độ giảm lần lượt 7% và 12% trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến tháng 6. Trong cùng thời kỳ, giá dầu cọ tại Bangladesh giảm gần 25%. Tại Việt Nam, giá cà phê bán buôn đã giảm gần 5% trong tháng 7.

Trong khi đó, giá bơ từ các nhà sản xuất lớn nhất Mexico, Peru và Colombia cũng giảm. Giá bán buôn bơ Mexico giảm 27% trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7, trong khi giá bơ Colombia giảm gần 40% trong cùng thời kỳ.

Tridge cho biết, thị trường bơ đã bị ảnh hưởng bởi nguồn cung vượt quá cầu của bơ Peru, điều này cũng gây áp lực giảm giá bơ trong khu vực.

Nỗi lo suy thoái

Lạm phát giá đang khiến người tiêu dùng hạn chế tiêu thụ một số loại thực phẩm mặc dù chúng là nhu cầu thiết yếu và cũng có những lo ngại về an ninh lương thực. Hơn nữa, những lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra đang buộc họ phải thắt lưng buộc bụng.

“Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường. Trước hết, nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu đang làm giảm triển vọng nhu cầu. Bên cạnh đó, giá cả tăng quá cao cũng khiến người tiêu dùng đang chi tiêu ít hơn hoặc tìm kiếm các sản phẩm thay thế”, Minwoo Nam, người phát ngôn của Tridge cho biết.

Theo Tridge, các nhà giao dịch hàng hóa nông sản và những người tham gia thị trường cho biết rằng, một số quỹ đầu cơ cũng đã bắt đầu thanh lý các vị thế của họ đối với hàng hóa.

Tuy nhiên, khi người tiêu dùng điều chỉnh chi tiêu của họ, không có nghĩa là lạm phát thực phẩm được kiềm chế hoàn toàn.

“Có thể nói, lo ngại lạm phát lương thực đã phần nào giảm bớt, nhưng giá nhiều mặt hàng nông sản vẫn ở mức cao so với bình quân các năm”, ông cho biết.

Gián đoạn chuỗi cung ứng

Nguồn cung lương thực vẫn còn thiếu do gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu lương thực vẫn tăng cao, nhưng ít nhất ở hiện tại, một số nỗ lực của các Chính phủ và ngân hàng trung ương đang bắt đầu hạ nhiệt giá lương thực.

“Sự gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang ảnh hưởng đến thị trường, và nó đang đẩy giá nhiều sản phẩm lên”, ông cho biết.

“Có vẻ như không có khả năng giá lương thực đột ngột rơi vào mức suy thoái. Tuy nhiên, khả năng lạm phát gay gắt hơn đã giảm xuống”, ông cho biết thêm.

Trong khi vẫn dao động gần mức cao kỷ lục, chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 6, so với mức kỷ lục trong tháng 3.

Sự sụt giảm trong tháng 6 phản ánh sự giảm giá dầu thực vật, ngũ cốc và đường quốc tế nhưng giá sữa và thịt lại tăng.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO cũng cho thấy, giá thực phẩm quốc tế như lúa mì đã giảm trong tháng 6 so với tháng 5 nhưng vẫn ở mức cao, cao hơn 48,5% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Mặt khác, kỳ vọng về một thỏa thuận được ký kết vào ngày 22/7 vừa qua của Nga và Ukraine để nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen sau nhiều tháng bị tắc nghẽn cũng có thể giảm bớt áp lực lạm phát giá lương thực.

Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng của Nomura cho biết, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giá thực phẩm vẫn chưa đạt đỉnh vì chúng có xu hướng di chuyển sau so với các chuyển động toàn cầu.

Theo Nomura, các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Philippines và Ấn Độ có thể sẽ chứng kiến ​​mức tăng giá thực phẩm cao nhất trong nửa cuối năm nay.

Tin bài liên quan