Như ĐTCK đã thông tin, vừa qua, TAND quận Hoàng Mai đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử tranh chấp đòi nợ giữa SHB và CTCP Sản xuất và xuất nhập khẩu Đông Nam Á (Công ty Đông Nam Á). Theo đó, trong giai đoạn năm 2008 - 2009, Habubank cho Công ty Đông Nam Á vay theo 5 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền là 8,7 tỷ đồng và 97.417 USD.
Tài sản bảo đảm là 2 quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền trên đất của 2 gia đình với nghĩa vụ tối đa lần lượt là 400 triệu đồng và 856 triệu đồng. Sau này, khi Công ty không trả được nợ, Habubank khởi kiện đòi nợ và SHB, sau khi sáp nhập đã kế thừa quyền và nghĩa vụ trong tranh chấp này.
Ở cấp sơ thẩm, bản án tuyên buộc Công ty Đông Nam Á phải trả 12,59 tỷ đồng gồm cả gốc và lãi cho SHB. Nếu Công ty không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, 2 gia đình đã thế chấp tài sản gồm ông Vọng và một số cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả nợ cho Ngân hàng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chủ tọa phiên toà đã yêu cầu SHB cho biết lý do nhiều lần tòa triệu tập nhưng không đến làm việc. Theo giải thích của đại diện SHB, SHB không cử đại diện đến Tòa là vì không biết, do người đại diện trước đây đã thôi việc, không bàn giao lại.
Bên kháng cáo, ông Vọng trình bày, hợp đồng thế chấp không thể là quan hệ bảo lãnh. Ngoài ra, vụ án có tới 2 bản án sơ thẩm khác nhau. Hai bản án cùng được đánh số giống nhau, ngày tháng giống nhau, nhưng bản án mà gia đình ông nhận được từ TAND quận Hoàng Mai khác với bản án lưu trong hồ sơ vụ án tại TAND TP. Hà Nội (?!) Trong đó, quan trọng nhất là hợp đồng tín dụng mà ông Vọng có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho Công ty Đông Nam Á tại hai bản án rất khác nhau: tại một bản án là phải trả nợ cho hợp đồng số 0810 ký ngày 31/10/2008 số tiền vay là 4,5 tỷ đồng, thời hạn 4 tháng, lãi suất 19,5%/năm; một bản án lại ghi hợp đồng 0901 ký ngày 5/2/2009, số tiền vay là 22.140 USD, thời hạn vay 3 tháng, lãi suất 4,5%/năm.
Theo ông Vọng, một vụ án lại có 2 bản án là không đúng quy định pháp luật, không khách quan và đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm. Hơn nữa, hợp đồng thế chấp đất, gia đình ông ký vào ngày 10/11/2008 đến tháng 12/2008 mới đăng ký giao dịch đảm bảo xong, nhưng lại phải trả nợ cho hợp đồng tín dụng ký từ trước đó (hợp đồng 0810 ký ngày 31/10/2008) là vô lý.
Ngoài ra, khi ký hợp đồng thế chấp, ngân hàng cũng không xác minh những người thực tế đang sống tại nhà đất thế chấp, dẫn đến hợp đồng thế chấp chỉ có ông Vọng, bà Chiến ký mà không có chữ ký của các con.
Về phía SHB, đại diện ngân hàng này cho rằng, vấn đề quan hệ bảo lãnh hay thế chấp, căn cứ vào Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm và đã được sửa đổi tại Nghị định 11/2012 thì việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất được chuyển thành thế chấp.
Về nghĩa vụ trả lãi, SHB nêu hợp đồng thế chấp có quy định rõ ông Vọng đồng ý sử dụng tài sản để bảo đảm cho khoản vay trị giá 856 triệu đồng. Ngân hàng cho rằng nghĩa vụ này bao gồm cả lãi trong hạn, qúa hạn, các khoản phí liên quan thể hiện trong hợp đồng tín dụng nên kháng cáo không có căn cứ...
Đại diện Viện Kiểm sát đã chỉ ra một số tồn tại của bản án sơ thẩm như bản án gửi cho đương sự khác với bản án có trong hồ sơ vụ án, phạm vi xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện. Khởi kiện yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm, nhưng bản án lại buộc bên thứ ba phải trả nợ, chế tài của 2 việc này là khác nhau… Đặc biệt là phần quyết định có thay đổi hẳn nội dung với trách nhiệm trả nợ cho những hợp đồng khác nhau, lãi suất khác nhau. Do đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị hủy bản án.
Sau khi xem xét các tài liệu, lời khai trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, Tòa cấp phúc đã chấp nhận đơn kháng cáo và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, quyết định hủy án sơ thẩm, giao cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.