Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Một nhiệm kỳ thành công của Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dù khiêm tốn cũng có thể đánh giá, đây là nhiệm kỳ thành công, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.

Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo Tổng kết công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV tại Phiên họp thứ 54.

Nhiệm kỳ có nhiều điều đặc biệt

“Rất thành công” cũng là nhận xét chung của các đại biểu tham gia thảo luận về công tác nhiệm kỳ của Quốc hội đương nhiệm. Trong khi đó, Dự thảo Báo cáo do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nhiều lần lặp lại hai chữ “đặc biệt” khi đánh giá về kết quả của cả nhiệm kỳ.

“Trước tiên, trong công tác lập pháp, hai chữ “đặc biệt” gắn với việc Quốc hội đổi mới cơ bản việc lập Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; không ban hành chương trình cả nhiệm kỳ, tập trung xây dựng chương trình hằng năm, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhanh chóng của đất nước. Đồng thời, yêu cầu đối với việc lập Chương trình chặt chẽ hơn; việc xem xét, đánh giá các dự án cũng được thực hiện một cách thận trọng, bảo đảm tính khả thi của Chương trình, sát hơn với yêu cầu của thực tế, tăng tính hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm trong từng công đoạn của quy trình ban hành văn bản”, ông Nguyễn Hạnh Phúc khái quát.

Về việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, điểm đặc biệt là nhiệm kỳ này, khác với các khóa trước, lần đầu tiên, Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính cho cả giai đoạn 5 năm.

“Việc này bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả trong ngắn hạn và trung hạn đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giúp cho ngân sách bình đẳng, công khai, chống hiện tượng xin - cho”, ông Lưu nhấn mạnh.

Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nhắc lại thông điệp mà ngay từ đầu nhiệm kỳ này Chủ tịch Quốc hội đã truyền tải, đó là chuyển từ Quốc hội tham luận là chủ yếu, sang thảo luận và tranh luận.

Cụ thể, từ Kỳ họp thứ 2, thay vì chờ đến lượt đăng ký phát biểu mới có thể đăng đàn, đại biểu Quốc hội có thể đăng ký tranh luận bằng giơ biển, còn từ Kỳ họp thứ 10, có thể đăng ký tranh luận thông qua phần mềm cài đặt trên Ipad.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận toàn thể, thành viên Chính phủ, cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu cũng được nhìn nhận là đổi mới đáng chú ý ở nhiệm kỳ này.

Trong hoạt động chất vấn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, việc “hỏi nhanh đáp gọn” (thời gian nêu câu chất vấn không quá 2 phút, trả lời không quá 5 phút) và từ Kỳ họp thứ 5, quy định nêu chất vấn không quá 1 phút/lần; trả lời không quá 3 phút/câu hỏi đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo không khí sôi động, hấp dẫn cho các phiên họp, tăng tính phản biện, nâng cao chất lượng thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, bảo đảm quyết định của Quốc hội được xem xét dân chủ, công khai, toàn diện, nhiều chiều, bám sát thực tiễn, có tính khả thi.

Vẫn còn những trăn trở

Với dự kiến kiện toàn nhân sự bộ máy tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (khai mạc vào ngày 24/3), khá nhiều vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ còn làm nhiệm vụ đại biểu đơn thuần cho đến khi Quốc hội nhiệm kỳ mới đi vào hoạt động. Vì vậy, những phát biểu trong phiên họp cuối cùng ở Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ này cũng khá nhiều tâm tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nói, chuẩn bị rời chức vụ, điều lớn nhất khiến ông còn day dứt là vẫn còn tình trạng được mùa, mất giá trong nông nghiệp. Như năm nay, lúa được giá, thì xoài lại không được giá.

Bày tỏ sắp tới “nghỉ thì thoả mãn rồi”, song Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết, ông còn 3 điều trăn trở.

Điều trăn trở thứ nhất là, lẽ ra, nhiệm kỳ này phải tập trung cao xử lý chất thải rác thải, ô nhiễm môi trường, vì đi đến đâu cũng thấy rác thải.

Trăn trở thứ hai, là vấn đề an ninh nguồn nước. Ông Túy chia sẻ, ông rất băn khoăn khi có đến 60% lưu lượng tập trung trong mùa mưa, các con sông lớn thì đầu nguồn đều phụ thuộc bên ngoài và Việt Nam chưa có chiến lược giữ nước ngọt; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng hứa nhiều, nhưng đến giờ chưa thấy làm được.

Trăn trở thứ ba là, dù kinh tế liên tục tăng trưởng, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp rất lớn, như vậy tăng trưởng chưa thực chất, chưa phải từ sản xuất trong nước. Trong khi đó, liên kết của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước chưa tốt, chuyển giao công nghệ chưa có, trong khi ưu đãi cho khối FDI rất lớn. Điều này khiến sự phát triển của khu vực FDI và khu vực trong nước càng chênh lệch, và càng chênh lệch thì khu vực FDI càng không chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Bởi vậy, theo đại biểu Trần Văn Túy, cần có chiến lược để phát triển công nghệ nguồn, thì mới có giá trị gia tăng. “Lo ngại bẫy thu nhập trung bình là có, nhưng gần đây cũng ít được nhắc tới, Quốc hội nhiệm kỳ mới cần có quyết sách chiến lược cùng Đảng, Chính phủ khắc phục vấn đề này”, ông Tuý nêu quan điểm.

Đánh giá chung, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, trong nhiệm kỳ qua, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong việc quyết định các vấn đề quan trọng vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Một số vấn đề mang tầm chiến lược, vĩ mô chưa được thảo luận một cách đầy đủ, thấu đáo (quan điểm về tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế trong một chiến lược dài hạn; định hướng, giải pháp huy động và phân bổ nguồn lực của đất nước trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; các cân đối vĩ mô của nền kinh tế).

“Nguyên nhân của những hạn chế nói trên là do một số nội dung còn chưa bảo đảm tiến độ về thời gian, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội có lúc chưa được cung cấp thông tin đầy đủ, thiếu thời gian nghiên cứu chuyên sâu; chưa có quy định cụ thể về những tiêu chí, nội dung thuộc nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu mang tính định hướng, khó phân định những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội hoặc giao Chính phủ, chưa phân định các trường hợp được thực hiện điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu trong một số tình huống khi tình hình kinh tế - xã hội có biến động lớn...”, ông Phúc nhấn mạnh.

Cử tri vẫn lo lắng về tín dụng đen

Từ sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

Theo phản ánh của cử tri, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất - kinh doanh vẫn phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, ngành thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp. Cử tri cũng lo lắng khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng dịch vụ và lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp vẫn còn thấp; liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo; cơ chế phân cấp quản lý, đầu tư được đẩy mạnh nhưng trong thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả, đòi hỏi tiếp tục có các giải pháp tích cực để khắc phục trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn lo lắng, bức xúc về tình trạng tội phạm cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo, các đường dây cá độ, đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; khai thác tài nguyên trái phép, buôn lậu, làm hàng giả, tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em ở một số nơi còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Tin bài liên quan