Một nhà đầu tư cá nhân bỏ ra hơn 270 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn nhất tại Hải Phát (HPX) trước ngày bị đình chỉ giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư cá nhân đã mua hơn 49,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã HPX - sàn HoSE) để nâng sở hữu lên 16,54% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty.
Một nhà đầu tư cá nhân bỏ ra hơn 270 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn nhất tại Hải Phát (HPX) trước ngày bị đình chỉ giao dịch

Cụ thể, ông Hoàng Văn Toàn vừa mua 49.618.900 cổ phiếu HPX để nâng sở hữu từ 702.200 cổ phiếu (0,23% vốn điều lệ), lên 50.321.100 cổ phiếu (16,54% vốn điều lệ), giao dịch được thực hiện ngày 14/9.

Ước tính theo giá đóng cửa ngày 14/9 là 5.480 đồng/cổ phiếu, ông Hoàng Văn Toàn đã bỏ ra số tiền khoảng 271,9 tỷ đồng để mua vào hơn 49,6 triệu cổ phiếu, đồng thời trở thành cổ đông lớn, cũng như cổ đông lớn nhất tại Công ty.

Theo giới thiệu, bên liên quan của ông Hoàng Văn Toàn là CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát.

Theo giấy đăng ký kinh doanh, Toàn Tín Phát được thành lập vào tháng 10/2021 với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản. Trong đó, cổ đông sáng lập của Toàn Tín Phát gồm 3 cá nhân là ông Hoàng Văn Toàn sở hữu 89% vốn; ông Nguyễn Đức Khương sở hữu 5,5% vốn; và ông Vũ Hồng Sơn sở hữu 5,5% vốn. Hiện tại, ông Hoàng Văn Toàn là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật tại CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát.

Một điểm đáng lưu ý khác, trước khi mua cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nhất tại Đầu tư Hải Phát, ông Hoàng Văn Toàn đã từng mua “lướt sóng” một doanh nghiệp niêm yết khác.

Cụ thể, ông Hoàng Văn Toàn mua vào hơn 2,7 triệu cổ phiếu DNP (CTCP DNP Holding) trong phiên 10/1/2023, qua đó trở thành cổ đông lớn của công ty này với tỷ lệ sở hữu là 6,51% (tương đương hơn 7,7 triệu cổ phiếu). Tuy nhiên đến phiên 8/6/2023, ông Hoàng Văn Toàn lại bán ra gần 2,2 triệu cổ phiếu DNP, từ đó tỷ lệ sở hữu chỉ còn 4,21% và chính thức không còn là cổ đông lớn tại DNP Holding.

Quay trở lại với giao dịch đáng chú ý của cổ phiếu HPX trước khi bị đình chỉ giao dịch, từ ngày 14/9 đến ngày 15/9, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Hải Phát bị bán giải chấp 2,9 triệu cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 14,38%, về 13,43% vốn điều lệ; Ngoài ra, cũng trong ngày 14/9, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc cũng bị bán giải chấp 480.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,29%, về còn 0,13% vốn điều lệ.

Như vậy, trong hai ngày 14/9 và ngày 15/9, hai lãnh đạo Công ty bị bán giải chấp tổng cộng 3,38 triệu cổ phiếu HPX.

Điểm đáng lưu ý, ngày 11/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM quyết định chuyển cổ phiếu HPX từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch, thời gian đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9.

Lý do được HoSE đưa ra do chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Ngoài ra, sau khi đưa vào diện hạn chế giao dịch và bị HOSE nhắc nhở, CTCP Đầu tư Hải Phát vẫn chưa thực hiện công bố Báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2023.

Chủ tịch HĐQT, vợ và em trai đồng loạt bị đình chỉ giao dịch do "bán chui" cổ phiếu HPX

Một diễn biến đáng lưu ý khác, trong tháng 4/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Quý Hải (Chủ tịch HĐQT Đầu tư Hải Phát) số tiền gần 1,26 tỷ đồng và đình chỉnh giao dịch có thời hạn 4 tháng do có hành vi vi phạm không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Trong đó, ngày 30/11/2022, ông Đỗ Quý Hải đã bán 6.279.600 cổ phiếu HPX, nhưng không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch.

Tương tự, cơ quan này vừa quyết định xử phạt 512,94 triệu đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng đối với bà Chu Thị Lương do có hành vi vi phạm hành chính là Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Trong đó, ngày 30/11/2022, bà Chu Thị Lương đã bán 2.564.700 cổ phiếu HPX, nhưng không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phạt ông Đỗ Quý Đường 206,48 triệu đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng do có hành vi vi phạm hành chính là không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Trong đó, ngày 30/11/2022, ông Đỗ Quý Đường bán 1.032.400 cổ phiếu HPX, nhưng không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch.

Được biết, ông Đỗ Quý Đường là em trai ông Đỗ Quý Hải và bà Chu Thị Lương là vợ ông Đỗ Quý Hải. Trong đó, ông Đỗ Quý Hải là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát.

Như vậy, ông Đỗ Quý Hải cùng vợ và em trai bị phạt tổng cộng 1,98 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 4 tháng do hành vi “bán chui” cổ phiếu HPX.

Lợi nhuận Đầu tư Hải Phát “bốc hơi” hơn 200 tỷ đồng sau kiểm toán năm 2022

Sau nhiều lần trì hoãn nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, ngày 5/9/2023, Công ty Đầu tư Hải Phát đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với nhiều thay đổi, chuyển từ lãi sang lỗ.

Sau kiểm toán năm 2023, Công ty Đầu tư Hải Phát ghi doanh thu giảm 26% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 424,21 tỷ đồng, về 1.634,58 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 143% so với trước kiểm toán, tức giảm 200,88 tỷ đồng, về lỗ 60,41 tỷ đồng (trước kiểm toán lãi 140,47 tỷ đồng).

Trong đó, biến động mạnh chủ yếu liên quan tới doanh thu giảm dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 48,5% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 238,11 tỷ đồng, về 253,11 tỷ đồng.

Lý giải lợi nhuận chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán, Công ty Đầu tư Hải Phát cho biết do một số khách hàng thay đổi mục tiêu đầu tư và đã thoả thuận với công ty để thanh lý hợp đồng đã mua hàng/nhận chuyển nhượng.

Luỹ kế trong năm 2022, Công ty Đầu tư Hải Phát ghi nhận doanh thu giảm 14,6% so với cùng kỳ, về 1.210,37 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 124,2%, tương ứng giảm 310,33 tỷ đồng, về lỗ 60,41 tỷ đồng.

Với việc ghi nhận lỗ trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối của công ty Đầu tư Hải Phát chỉ còn 154,3 tỷ đồng.

Tin bài liên quan