Năm 2017 bắt đầu làn sóng thanh toán không dùng tiền mặt với sự góp mặt của nhiều “ông lớn”. Ảnh: Đức Thanh

Năm 2017 bắt đầu làn sóng thanh toán không dùng tiền mặt với sự góp mặt của nhiều “ông lớn”. Ảnh: Đức Thanh

Một năm nhiều “chuyện lạ” với ngành ngân hàng

Chưa bao giờ, ngành ngân hàng lại trải qua một năm có nhiều sự kiện mới mẻ như năm 2017. Đó là cơn sốt tiền ảo, làn sóng thanh toán không dùng tiền mặt với sự tham gia của nhiều ông lớn, dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, ngân hàng ồ ạt lên sàn, lần đầu tiên có những chế tài vô cùng mạnh hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu…

Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu “hết cửa” chây ỳ

Năm 2017, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, song điều đặc biệt nhất trong năm qua là, lần đầu tiên, một nghị quyết của Quốc hội về nợ xấu được ra đời (Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng), mở ra hy vọng lớn về xử lý nợ xấu trong năm 2018. 

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, từ đầu năm đến đầu tháng 12/2017, VAMC đã mua vào khoảng 31.000 tỷ đồng nợ xấu. Còn tính lũy kế từ khi thành lập đến thời điểm trên, VAMC đã mua vào 306.469 tỷ đồng nợ gốc. Số nợ đã thu hồi được từ khi thành lập đến nay là hơn 72.000 tỷ đồng.

“Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời đã giúp VAMC giải quyết khó khăn trong thực hiện quyền thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo, tránh trường hợp chủ tài sản cố tình chây ỳ, chống đối kéo dài thời gian xử lý. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để VAMC và các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu thời gian tới”, ông Đông nói.

Uỷ ban Giám sát: Năm 2017, ngành ngân hàng đã xử lý được 70.000 tỷ đồng nợ xấu

Thực tế, ngay sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực 1 tháng, VAMC và các ngân hàng đã tiến hành thu giữ và đấu giá các tài sản đảm bảo bằng bất động sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng để thu nợ.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của xử lý nợ xấu vẫn là làm sao để thị trường nợ chính thức được vận hành, xử lý nợ xấu đi vào thực chất. Thời gian qua, hơn 72.000 tỷ đồng nợ xấu được thu hồi chủ yếu bằng cách ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro, trong khi khối lượng nợ xấu đang tồn tại VAMC cũng như nằm tại các ngân hàng vẫn còn rất lớn. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng năm 2017 vẫn lên tới 9,5%.

Cũng giống như xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng yếu năm 2017 cũng chưa có nhiều biến chuyển, ngoại trừ chiếc “gậy” cơ chế đã được ra đời. Cụ thể, từ ngày 15/1/2018, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực, siết chặt hoạt động mua bán cổ phần ngân hàng, sở hữu chéo, giới hạn sở hữu của các cổ đông lớn…

Để thực hiện quy định này, ngay từ cuối năm 2017, hàng loạt ông chủ nhà băng đã tuyên bố từ bỏ chức vụ đứng đầu doanh nghiệp để chuyên tâm điều hành ngân hàng, như BacABank, TPBank, SHB, Sacombank…

Hàng loạt ngân hàng lên sàn, vốn ngoại chuyển động

Sau một thời gian sụt giảm, năm 2017 chứng kiến sự quay lại của dòng cổ phiếu vua. Giá trị vốn hóa thị trường của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm đã tăng gần 1,9 lần, với thanh khoản tăng vọt.

Trong năm 2017, có tới 5 nhà băng lên sàn chứng khoán, bao gồm: VIB, VPBank, LienVietPostBank, Kienlongbank và BacABank. Đầu năm 2018, sẽ có ít nhất 3 ngân hàng tiếp tục niêm yết lên sàn là HDBank (5/1/2018), TPBank và Techcombank.

Tuy năm qua không có thương vụ M&A ngân hàng lớn nào, song hoạt động mua bán ngân hàng vẫn diễn ra nhộn nhịp. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra rất quan tâm đến thị trường ngân hàng Việt Nam.

Mới đây, Quỹ đầu tư PYN Elite Fund đã ký kết mua gần 5% cổ phần TPBank, với trị giá 40 triệu USD. Việc chào bán cổ phần của HDBank và VPBank cũng được rất nhiều tổ chức quốc tế đặt mua với khối lượng đăng ký cao gấp nhiều lần lượng chào bán. Ngoài ra, nhiều ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là các ngân hàng đến từ Hàn Quốc, ASEAN…, đang tăng cường hiện diện tại Việt Nam.

Mặc dù HSBC đã thoái vốn khỏi Techcombank, ANZ bán lại mảng bán lẻ cho Shinhan Bank Việt Nam và Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) bán Chi nhánh TP.HCM của mình cho VIB, song cả 3 thương vụ này đều do nhà đầu tư nước ngoài cơ cấu lại danh mục đầu tư. Cả HSBC, ANZ lẫn CBA đều không có ý định rút khỏi thị trường Việt Nam.

Tỷ giá bình yên, ngoại hối tăng kỷ lục

Không khác nhiều so với dự đoán, tỷ giá đã có một năm bình yên. Thậm chí, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, thì thị trường cũng không có nhiều phản ứng.

Nhờ sự thuận lợi của thị trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã mua thêm được lượng ngoại tệ rất lớn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng cho biết, tới thời điểm này, tổng dự trữ ngoại hối nhà nước đã xấp xỉ 52 tỷ USD. Riêng trong năm 2017, cơ quan này đã mua thêm khoảng 13 tỷ USD.

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục sẽ giúp Việt Nam có lợi thế khi thực hiện các chính sách tỷ giá, đồng thời tạo niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tỷ giá ổn định, nguồn ngoại tệ dồi dào cũng đã giúp NHNN bơm một lượng khá lớn tiền đồng cho nền kinh tế, giúp lãi suất tiền đồng năm qua giảm 0,5 - 1%.

Cơn sốt tiền ảo và làn sóng thanh toán không dùng tiền mặt bắt đầu

Chưa bao giờ các dịch vụ ngân hàng số lại nở rộ như năm 2017, từ mô hình Live Bank (ngân hàng tự động) đến các ứng dụng thanh toán và rút tiền bằng mã QR, xác thực bằng vân tay, mống mắt, FaceID, đưa trí tuệ thông minh vào dịch vụ chăm sóc khách hàng…

Không chỉ ngân hàng, các fintech Việt, mà hàng loạt “ông lớn” nước ngoài cũng nhăm nhe xâm nhập thị trường thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam. Năm 2017, ngoài “gã khổng lồ” Samsung Pay chính thức đặt chân vào Việt Nam, 2 “con sói” khác về công nghệ là Alibaba và Tencent cũng đang từng bước đưa Alipay và WechatPay vào Việt Nam.

Một năm nhiều “chuyện lạ” với ngành ngân hàng ảnh 2

Với sự trỗi dậy của thanh toán không dùng tiền mặt, làn sóng thanh toán di động được dự báo sẽ sớm bùng nổ ở nước ta và sự cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt.

Trong khi làn sóng thanh toán di động đang được trông chờ, thì cơn sốt tiền ảo, đặc biệt là bitcoin, thời gian qua gây nhiều lo lắng.

Chưa bao giờ phong trào đầu tư vào tiền ảo lại rộ lên ở nước ta như nửa cuối năm 2017. Việc đồng tiền ảo bitcoin tăng giá hàng trăm lần trong năm qua khiến giới đầu tư phát cuồng, các hình thức đầu tư tiền ảo nở rộ, từ mua “trâu cày” coin, đầu tư đa cấp, đầu tư ICO (phát hành gọi vốn đầu tư tiền ảo lần đầu), cho đến hoạt động mua đi bán lại kiếm lời… đều tăng vọt. Nhiều hoạt động lừa đảo từ tiền ảo cũng đã diễn ra.

Việc bitcoin có thể tăng giá hoặc rớt giá 4.000 - 5.000 USD trong vòng một đêm cho thấy, đây là kênh đầu tư vô cùng rủi ro, nhất là khi bitcoin được nhiều tổ chức đầu tư trên thế giới nhận định là đồng tiền “vô giá trị”.

Cho đến nay, NHNN kiên định quan điểm không coi đây là tiền tệ và là phương tiện thanh toán hợp pháp. Tuy vậy, trước sự bùng phát của đầu tư tiền ảo cũng như các hệ lụy có thể phát sinh, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico đề nghị, cần có hành lang pháp lý để quản lý bitcoin và các đồng tiền ảo. Tuy nhiên, trước khi đưa ra hành lang pháp lý, cần phải định nghĩa đây là tiền, hàng hay tài sản để có quy định phù hợp.

Trong bối cảnh hành lang pháp lý với tiền ảo chưa rõ ràng, ngay cả người sáng lập sàn bitcoin đầu tiên ở Việt Nam - ông Dominic Weil (sáng lập bitcoin.vn) khuyến nghị: “Trong khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng, nhà đầu tư nên sáng suốt tự bảo vệ mình, đừng tin vào những lời mời chào lợi nhuận 30 - 40%/tháng, nếu không sẽ dễ sập bẫy lừa đảo”.

"Năm 2018 sẽ là năm đặc biệt quan trọng với ngành ngân hàng"

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN

Năm 2018 sẽ là năm đặc biệt quan trọng với ngành ngân hàng, khi triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng. NHNN sẽ chỉ đạo và hỗ trợ tối đa cho các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 và hướng dẫn triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

"Tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 18 - 20% là phù hợp"

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 18 - 20% là phù hợp, không tác động nhiều tới ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục lưu tâm làm sao để dòng vốn tín dụng đi vào các ngành nghề sản xuất - kinh doanh, không để bị lệch lạc tạo ra cơn sốt nóng như bất động sản, chứng khoán. Nhìn góc độ chính sách tiền tệ, việc phân bổ tín dụng ở mức độ nào, liều lượng, tương quan với thị trường khác ra sao là bài toán hết sức khó khăn.

Tin bài liên quan