Quốc hội thảo luận Tổ đối với Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu. Ảnh: Như Ý
Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đẩy mạnh phân cấp phân quyền
Sáng 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận Tổ đối với Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu.
Trong dự thảo luật này, Chính phủ tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, gây vướng mắc, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Về sửa đổi Luật Quy hoạch, Chính phủ đề xuất đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch; đồng thời bổ sung thủ tục điều chỉnh quy hoạch rút gọn theo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, bảo đảm tính đồng bộ, kế thừa và hệ thống giữa các quy hoạch để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, phân quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để nâng cao trách nhiệm, tính chủ động cho địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Sửa đổi quy định “Danh mục dự án” thành “Danh mục dự kiến” các dự án quan trọng quốc gia, các dự án ưu tiên của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để phản ánh đúng tính chất định hướng của quy hoạch, bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Về sửa đổi Luật Đầu tư, dự thảo Luật đưa ra các quy định đẩy mạnh phân cấp phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỷ đồng và dự án thuộc khu vực bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Đồng thời, bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Nhà đầu tư đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày; cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép trong lĩnh vực này (dự kiến sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).
Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chính phủ đề xuất xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và không quy định mức vốn tối thiểu đối với các dự án này; khôi phục áp dụng loại Hợp đồng BT; nâng tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn 50% nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án có chi phí giải phóng mặt bằng trên 50% tổng mức đầu tư; dự án thực hiện tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn; và dự án có yêu cầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục.
Về sửa đổi Luật Đấu thầu, Chính phủ đề xuất đơn giản hóa thủ tục đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nhằm đẩy nhanh quá trình ký kết điều ước quốc tế và thỏa thuận vay nước ngoài, góp phần khơi thông nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Đồng thời, bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức này nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện gói thầu có yêu cầu đặc thù, không thể áp dụng các hình thức khác được quy định tại Luật Đấu thầu. Bên cạnh đó, cho phép áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần để mua thuốc bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của người bệnh, bảo đảm tính chủ động trong hoạt động của nhà thuốc bệnh viện…
Dự thảo một luật sửa 4 luật lĩnh vực đầu tư được các đại biểu đánh giá cao. Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, cơ quan soạn thảo đã rất nghiêm túc tiếp thu, chọn lọc đưa vào dự thảo luật những vấn đề cấp bách nhất.
Trong khi đó, đứng cả ở “vai” của một doanh nghiệp, đại biểu Huỳnh Thành Chung, Bình Phước cho hay rất vui mừng vì dự thảo luật giải quyết ngay các vướng mắc rất cấp bách trong thực tiễn, đặc biệt là việc đơn giản hoá thủ tục, đẩy mạnh phân cấp phân quyền. Ông Huỳnh Thành Chung mong mỏi dự thảo luật sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp này để giải quyết khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp, và cũng là chuẩn bị tốt cho nhiệm kỳ sắp tới.
Cần rà soát tiêu chí, danh mục dự án hưởng ưu đãi thủ tục đầu tư đặc biệt
Góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, đại biểu Lê Quang Huy (Bình Thuận) rất tán thành việc bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt với các dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Tuy vậy, theo ông Huy, bổ sung thủ tục ưu đãi đặc biệt là chưa đủ mà cần phải bổ sung thêm các mức ưu đãi đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư lớn. Dĩ nhiên, các ưu đãi đặc biệt này chỉ nên áp dụng với một số dự án đáp ứng được các tiêu chí nhất định.
Dự thảo luật bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Các nhà đầu tư đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày; cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép trong lĩnh vực này (dự kiến sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt như trong dự thảo luật đang quá rộng, bao gồm cả các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại danh mục, loại bỏ các doanh nghiệp có nguy cơ cao. Đại biểu này cũng kiến nghị cần bổ sung quy định về vốn để ngăn chặn các nhà đầu tư không đủ năng lực, lập dự án chỉ để hưởng ưu đãi.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại thảo luận tổ hôm nay (30/10). Ảnh: Như Ý |
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa-Vũng Tàu) đánh giá cao các quy định phân cấp, phân quyền trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, vừa giúp giảm tải cho cấp trung ương, vừa nâng cao tính chủ động của địa phương. Tuy vậy, về thủ tục đầu tư đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, đại biểu khuyến nghị cần bổ sung tiêu chí dự án được áp dụng, tránh các KCN, KCX lạm quyền, thiếu minh bạch trong quản lý các dự án lớn.
Về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, nhiều đại biểu hoan nghênh bổ sung thủ tục điều chỉnh quy hoạch rút gọn và kiến nghị cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ.
Theo đại biểu Đại biểu Lê Quang Huy (Bình Thuận), không cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ sẽ khiến nhiều dự án gặp vướng mắc (đơn cử hiện nay có hàng loạt dự án đang phải dừng triển khai do vướng quy hoạch khoảng sản). Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cho phép điều chỉnh quy hoạch gắn với luật chuyên ngành, trên cơ sở không thay đổi mục tiêu quy hoạch chung.
Đưa ra ví dụ sinh động về trường hợp của chính doanh nghiệp mình, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) nêu, để thu hút doanh nghiệp FDI, KCN buộc phải đầu tư trạm biến áp để kéo điện, song do quy hoạch không có trạm biến áp nên dù trạm biến áp chỉ “mất mấy mét vuông” song ách tắc mấy năm vẫn chưa được tháo gỡ.
Liên quan đến thủ tục đầu tư đặc biệt, ông Chung cho rằng, quy định như dự thảo sẽ hỗ trợ rất lớn cho các KCN, KCX. Hiện nay, có doanh nghiệp FDI sẵn sàng rót hàng chục triệu USD vào các KCN do ông quản lý, song yêu cầu hoàn tất trong 10 tháng. Điều này rất khó vì riêng thủ tục phòng cháy chữa cháy và đánh giá tác động môi trường đã mất 8 tháng. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận bị phạt để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Với dự thảo sửa đổi, bổ sung luật PPP, các đại biểu nhất trí cao việc xoá bỏ hạn chế với lĩnh vực đầu tư cũng như hạn mức vốn tối thiểu với dự án PPP. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc xoá bỏ hạn chế này sẽ giúp thu hút được dòng vốn đầu tư trong xã hội, nhất là trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, thể thao, y tế…
Việc nâng tỷ lệ góp vốn của nhà nước từ dưới 50% lên tối đa 70% như dự thảo, theo ông Cường là hợp lý, bởi có những dự án chi phí mặt giải phóng mặt bằng lớn hoặc những công trình kỹ thuật phức tạp đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nếu nhà nước bỏ vốn dưới 50% sẽ không tạo hấp dẫn cho thu hút đầu tư.
Về dự thảo Luật Đấu thầu, Đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, việc cho phép tiến hành đấu thầu trước sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án và tạo sự linh hoạt cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, quy định cho phép chủ đầu tư hủy thầu mà không cần bồi thường nếu dự án không được phê duyệt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của nhà thầu. Vì vậy, cần cân nhắc bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư khi hủy thầu, cũng như các điều kiện để nhà thầu có thể được bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong trường hợp này.
Về quy định mua thuốc để bán lẻ trong khuôn viên bệnh viện công lập (sửa đổi khoản 2 Điều 55), Dự thảo cho phép mua thuốc trực tiếp nhiều lần cho các cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện công. Đây là quy định nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và đảm bảo cung ứng liên tục. Tuy nhiên, theo đại biểu Yên cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và tránh tình trạng lợi dụng chính sách mua sắm trực tiếp nhiều lần, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân.
Nhìn chung, góp ý cho dự thảo luật, các đại biểu đều bày tỏ đồng thuận cao, tán thành hầu hết các đề xuất mà Chính phủ đưa ra, các ý kiến chủ yếu yêu cầu rà soát kỹ, làm rõ thêm…
Trao đổi với các đại biểu tại thảo luận tổ, liên quan tới vấn đề điều chỉnh quy hoạch cục bộ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tế dự thảo Luật đã cho phép vấn đề này. Về các thủ tục đầu tư đặc biệt, Bộ trưởng cho hay, việc đưa ra quy định này là rất cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng gay gắt, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới giảm mạnh, xu hướng bảo hộ gia tăng. Các nước không ngừng đổi mới để cạnh tranh thu hút đầu tư, nếu Việt Nam đứng yên sẽ mất cơ hội.