Tại OCB, lãi suất kỳ hạn 6 tháng được cộng thêm 0,5%/năm so với mức cũ

Tại OCB, lãi suất kỳ hạn 6 tháng được cộng thêm 0,5%/năm so với mức cũ

Một loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động ở mức độ thăm dò

(ĐTCK) Ngày 18/3, các ngân hàng đồng loạt thay đổi bảng niêm yết lãi suất tiết kiệm theo trần lãi suất mới, mức cao nhất chỉ còn 6%/năm cho kỳ hạn 1 - 5 tháng. Khác với những lần trước, đợt hạ lãi suất lần này được các ngân hàng thực hiện với sự dè dặt. Lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng phải hạ xuống theo trần lãi suất mới là 6/năm, nhưng lãi suất cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lại đang được không ít ngân hàng tăng lên hoặc giữ nguyên. 

Cụ thể, tại VietA Bank, lãi suất kỳ hạn từ 1 - 5 tháng được giảm 1%/năm, xuống mức kịch trần 6%/năm từ ngày 18/3, nhưng đổi lại, lãi suất kỳ hạn 6 tháng lại được tăng thêm 1%/năm so với mức cũ, lên 8%/năm. Đồng thời, VietA Bank cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn trên 1 năm, cao nhất còn 8,7%/năm so với mức cũ là 9 - 9,5%/năm.

OCB cũng kéo lãi suất kỳ hạn 5 tháng trở xuống về dưới trần 6%/năm, nhưng lại cộng thêm 0,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Tại TPBank, mức lãi suất cao nhất hiện nay vẫn được duy trì gần 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất kỳ hạn từ 5 tháng trở xuống đã được giảm về dưới mức 6%/năm.

Một số ngân hàng lớn đã giảm lãi suất huy động đón đầu quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, nhưng lãi suất kỳ hạn ngắn vẫn phải giữ mức cạnh tranh với ngân hàng nhỏ, kịch trần 6%/năm. Đơn cử như Sacombank, lãi suất kỳ hạn từ 4-5 tháng là 6%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng là 6,6%/năm và mức 8,5%/năm được áp dụng cho kỳ hạn tiết kiệm 12 tháng.

Tại BIDV, mức lãi suất 5%/năm, 5,5%/năm, 6%/năm, 6,5%/năm, 7,5%/năm được áp dụng tương ứng cho các kỳ hạn tiết kiệm 1 tháng, 2 tháng, 3 - 5 tháng, từ 6 - 11 tháng và trên 12 tháng...

Chia sẻ với ĐTCK, Phó tổng giám đốc NamA Bank ông Trần Ngọc Tâm cho hay, đối với ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, cạnh tranh về thị phần tiết kiệm luôn khó hơn nhà băng lớn. Do đó, dù nguồn vốn tiết kiệm của NamA Bank hiện dôi dư, song không phải vì thế mà Ngân hàng không cạnh tranh để gia tăng nguồn tiền gửi. Lãi suất kỳ hạn tiết kiệm ngắn hiện cũng được NamA Bank áp dụng mức kịch trần 6%/năm. Còn kỳ hạn 6 tháng, NamA Bank áp dụng mức 7,14%/năm, thay vì 7%/năm trước đó và mức cao nhất 8,4%năm cho kỳ hạn 24 - 36 tháng.

Tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang cho biết, tăng trưởng huy động vốn của Ngân hàng trong những tháng đầu năm tương đối tốt, trong khi dư nợ tín dụng chỉ mới xấp xỉ 1%. Tuy nhiên, thời gian qua, Sacombank cũng chỉ cắt giảm nhẹ lãi suất kỳ hạn dài và ngắn ngày. Lãnh đạo Sacombank cũng thừa nhận, nguồn vốn khả dụng dôi dư, đầu ra khó, song không thể mạnh tay hạ lãi suất.

Nhìn chung, các ngân hàng không dám mạnh tay giảm sâu lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng so với trần lãi suất 6%/năm, do lo ngại dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển hướng sang thị trường chứng khoán đang khởi sắc và thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm dần lên khi các chính sách kích cầu dần phát huy tác dụng. Theo một nguồn tin riêng của Đầu tư Chứng khoán, trong tuần tới, 4 ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước sẽ cùng với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam nhóm họp bàn triển khai gói tín dụng có quy mô khá lớn để kích cầu thị trường bất động sản.

Theo một số ngân hàng, so với cuối năm 2013, xu hướng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn đang tăng trở lại. Một số đối tượng khách hàng gần như chỉ có nhu cầu nhờ ngân hàng giữ hộ tiền trong thời gian ngắn, thậm chí là gửi không kỳ hạn để có thể dễ dàng nắm bắt cơ hội đầu tư. So với đầu năm 2013, lãi suất tiết kiệm đã giảm từ 2 -3%/năm đối với kỳ hạn ngắn và điều này đã khiến nhiều khách hàng không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận, lãi suất giảm sẽ khó có thể giữ được chân nguồn tiết kiệm, chưa nói tới việc thu hút nguồn tiền nhàn rỗi mới. Vì thế, dù huy động vốn trong những tháng đầu năm vẫn tăng trưởng tốt, trong khi tín dụng khó tăng trưởng, nhưng ngân hàng ông cũng phải chạy đua huy động đối với kỳ hạn ngắn. Ngoài lãi suất tiết kiệm duy trì kịch trần, ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi tặng quà để thu hút khách hàng.

Đánh giá về xu hướng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong thời gian tới, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, với lạm phát kỳ vọng được kiểm soát 6 - 6,5% thì trần lãi suất huy động trong năm nay không thể giảm thêm, đặc biệt là khi các kênh đầu tư khác đang có dấu hiệu ấm dần lên.               

Tin bài liên quan