Cụ thể, trả lời trước Ủy ban Ngân hàng Hạ viện, ông Jerome Powell cho biết, nền kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn đỉnh cao trong vài năm trở lại đây, khi thị trường việc làm duy trì sức mạnh khả quan và lạm phát được giữ vững quanh mốc 2% mà Fed đặt ra.
Với giọng điệu tự tin này, chỉ số DXY đo sức mạnh của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng 0,5% ngay sau phát biểu của ông Powell. Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số này đã tăng 3,1%. Thực tế, đồng USD đã duy trì xu hướng leo dốc kể từ ngày 13/6, khi Fed tiến hành nâng lãi suất lần thứ hai trong năm 2018 và đưa ra tín hiệu về việc sẽ nâng thêm 2 lần nữa trong năm, tổng cộng là 4 lần, thay vì 3 lần như kế hoạch trước đó. Điều này khiến USD trở nên đắt đỏ hơn so với hàng loạt đồng tiền khác trên toàn cầu.
Việc Fed bắt đầu nâng lãi suất, khiến USD mạnh lên đã mang đến hệ quả rất nặng nề. Đồng peso Argentina và real Brazil giảm giá lần lượt 30% và 14% so với đồng bạc xanh. Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và rand Nam Phi giảm 14%, trong khi hàng loạt đồng tiền của các quốc gia châu Á giảm khoảng 3 – 6%.
Các nền kinh tế mới nổi tại châu Âu cũng không là ngoại lệ. Đồng forint của Hungaria giảm giá 10%, zloty của Ba Lan giảm 9%, koruna của Cộng hòa Séc giảm 8%. Đây là các đồng tiền giảm giá mạnh nhất so với USD trong số các thị trường mới nổi tại châu Âu.
Việt Nam là trường hợp "ngoại lệ" khi đồng nội tệ chỉ mất giá 0,85% so với USD trong 6 tháng đầu năm.
Không riêng tiền tệ bị ảnh hưởng, sức mạnh của USD còn tạo tác động khiến thị trường chứng khoán toàn cầu điêu đứng. Chứng khoán Trung Quốc lao dốc với tốc độ 2 con số trong quý vừa qua, mặc dù một phần nguyên nhân còn xuất phát từ cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang. Các thị trường mới nổi khác chứng kiến dòng tiền nhanh chóng rút lui, khiến chứng khoán đảo chiều đi xuống so với đà tăng kể từ đầu năm tới tháng 3/2018.
Trong bối cảnh này, ngân hàng trung ương của các quốc gia phải vào cuộc để giữ sự ổn định của thị trường. Theo thống kê của CentralBankNews, từ trung tuần tháng 6 đến nay, đã có gần 20 ngân hàng trung ương đưa ra quyết định thay đổi lãi suất. 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tăng lãi suất điều hành kể từ sau khi Mỹ công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% và hé lộ kế hoạch có thêm 2 lần tăng lãi suất trong năm vào ngày 13/6.
Trong khi đó, dù khẳng định giữ chính sách tiền tệ trung lập và thận trọng, nhưng động thái hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại một số nhà băng lớn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giải phóng một lượng lớn Nhân dân tệ ra thị trường. Nhân dân tệ - vốn là đồng tiền được chính phủ nước này kiểm soát chặt chẽ - đã giảm 3% giá trị so với USD trong tháng 6 và tiếp tục chạm đáy thấp nhất 11 tháng vào đầu tháng 7. USD mạnh lên trong khi Nhân dân tệ không ngừng giảm giá dẫn tới nỗi lo cuộc chiến tranh thương mại sẽ biến thành chiến tranh tiền tệ trên phạm vi toàn cầu.
Theo đó, đồng tiền của các quốc gia châu Á đang coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn chịu áp lực mạnh nhất, bao gồm rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia. Đồng real của Brazil và ruble của Nga cũng đáng lo ngại bởi sức ép từ chiến tranh thương mại tạo áp lực tới giá dầu – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của hai quốc gia này.
Là nhà xuất khẩu lớn nhất các linh kiện, vật liệu điện tử cho Trung Quốc, đồng won Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng so với đồng USD. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc trong tháng 7 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 xuống còn 2,9% so với 3% trước đó, đồng thời nhận định, với việc Mỹ đang áp thuế lên các hàng hóa trị giá 43 tỷ USD của Trung Quốc, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Đại lục sẽ giảm 0,05%. Con số này sẽ còn gia tăng, bởi Chính phủ Mỹ đang xem xét áp thêm thuế với các hàng hóa trị giá đến 200 tỷ USD.
Không riêng Hàn Quốc, Australia cũng chịu nhiều áp lực khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng hơn. Trong năm ngoái, Australia đã xuất khẩu 115,9 tỷ AUD (85,84 tỷ USD) hàng hóa sang Đại lục, chiếm 30% lượng hàng hóa xuất khẩu.
Trong báo cáo ngày 3/7 của Ngân hàng Dự trữ Australia, Thống đốc Philip Lowe đã nhấn mạnh “chính sách thương mại quốc tế của Mỹ” là nguồn cơn của các yếu tố khó đoán định đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.