Một loạt điểm nóng Covid-19 trên thế giới công bố chiến dịch tiêm phòng đại trà vaccine

Một loạt điểm nóng Covid-19 trên thế giới công bố chiến dịch tiêm phòng đại trà vaccine

0:00 / 0:00
0:00

Với hy vọng có thể chặn đứng sự lây lan của đại dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới hôm qua (17/12) đã công bố kế hoạch hoặc triển khai luôn chiến dịch tiêm phòng vaccine trong nước.

Đáng lưu ý là chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại một số điểm nóng về dịch bệnh trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu và Saudi Arabia.

Sau cuộc họp diễn ra hôm 17/12, một ủy ban chuyên gia của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã bỏ phiếu thông qua khuyến cáo đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Mỹ loại vaccine thứ 2 ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm Moderna sản xuất.

Với khuyến cáo này, vaccine của hãng Moderna sẽ chính thức được đưa vào sử dụng ở Mỹ trong vài tuần tới.

Trước đó, hồi đầu tuần Mỹ đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 do hãng Pfizer-BioNTech sản xuất. Đây được xem là nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong bối cảnh nước này vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất của đại dịch.

Không nhanh chân như Mỹ song lại đồng bộ hơn, Liên minh châu Âu hôm qua cho biết sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn khối vào ngày 27/12 tới.

Theo quy định, các nước Liên minh châu Âu có thể tự tiến hành chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân, song Liên minh châu Âu muốn các nước phối hợp cùng nhau, bắt đầu chương trình tiêm vaccine trong cùng một ngày để vừa biểu thị tình đoàn kết nhằm vượt qua đại dịch, vừa đảm bảo không nước nào bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Eric Mamer nhấn mạnh: “Điều quan trọng ở đây chính là nỗ lực phối hợp chung. Nó không thể chính xác như khoa học mà ở đó, mọi người đều được tiêm vaccine vào đúng 7h tại một lục địa với 450 triệu dân, với 27 quốc gia thành viên từ Bắc đến Nam, từ Đông đến Tây. Ngày giờ không quan trọng mà quan trọng ở đây là nỗ lực mang tính tập thể trong cuộc chiến chống Covid-19.”

Ủy bạn châu Âu hiện đã ký các hợp đồng với 7 nhà cung cấp vaccine tiềm năng nhằm đảm bảo tất cả công dân trưởng thành Liên minh châu Âu đều có thể được tiêm phòng.

Các quốc gia thành viên sẽ quyết định đối tượng được ưu tiên tiêm, song những người cao tuổi và các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ là hai nhóm đối tượng được ưu tiên đầu tiên.

Tại khu vực vùng vịnh, hôm qua (17/12) Saudi Arabia đã trở thành quốc gia đầu tiên trong thế giới Arab bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine đại trà ngừa Covid-19 do hãng Pfizer-BioNTech sản xuất.

Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân Saudi Arabia và những người nước ngoài sống tại nước này đã xếp hàng dài tại các khu vực tiêm chủng để tiêm vaccine.

Là một trong những người đầu tiên được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19, Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia Tawfiq al-Rabiah cho biết: “Chúng tôi mong muốn cung cấp vaccine cho tất cả người dân. Tôi đảm bảo rằng, mỗi người dân Saudi Arabia đều được tiêm vaccine. Chiến dịch tiêm vaccine này sẽ kéo dài trong vài tháng cho đến khi tất cả mọi người đều nhận được các mũi tiêm. Tùy thuộc vào nguồn cung, chúng tôi sẽ thực hiện chiến dịch càng sớm càng tốt".

Để phục vụ cho chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn này, từ hôm qua, 2 lô vaccine đã được chuyến tới Saudi Arabia. Trước đó, hồi đầu tuần này, nhà chức trách Saudi Arabia đã yêu cầu người dân đăng ký để được tiêm phòng vaccine miễn phí.

Trong giai đoạn đầu, những người có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm sẽ được tiêm phòng trước. Giai đoạn 2 và 3 sẽ tập trung vào những người từ 50 tuổi trở lên.

Các đối tượng khác sẽ được tiêm phòng ở các giai đoạn tiếp theo. Cho đến nay, Saudi Arabia ghi nhận 360.000 ca lây nhiễm và hơn 6.000 ca tử vong do virus SARS-CoV-2.

Tin bài liên quan