Lịch chồng lịch
Hàng loạt hạn định mới đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với Chính phủ trong cuộc họp Chính phủ tháng 3/2016, tổ chức cuối tuần qua.
Cụ thể, trước tháng 5/2016 là hạn cuối để hoàn tất việc rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và trình các nghị định về các điều kiện kinh doanh còn lại thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước. Trước tháng 9/2016, Bộ Công thương phải ban hành hàng loạt văn bản sửa đổi liên quan đến thủ tục khai báo hóa chất, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm đối với những mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của mình...
Các mốc thời gian cùng danh tính các bộ, ngành thực hiện này được đưa ra trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, vẫn được gọi tắt là “Nghị quyết 19” của năm 2016. Điều này cũng không có gì đặc biệt vì các “phiên bản” Nghị quyết 19 hai năm liên tiếp trước đó đều ghi điểm nhờ các kế hoạch chi tiết tương tự.
Nhưng cũng từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong báo cáo 3 tháng đầu năm 2016 thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP gửi tới cuộc họp Chính phủ, câu tổng kết ngắn gọn và đầy đủ nhất lại là: “Chưa có nhiều thay đổi so với tháng 12/2015”. Nghĩa là, cả nước mới chỉ có 3 bộ và 13 UBND tỉnh thực hiện yêu cầu của Chính phủ.
Cũng phải nói thêm, tại Báo cáo 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ trong cuộc họp tháng 9/2015, nhận định cũng không khác mấy.
Dường như số bộ, ngành sốt ruột với những điểm nút cần tháo gỡ gấp của môi trường kinh doanh Việt Nam mà Chính phủ đã yêu cầu chỉ quanh quẩn có vài gương mặt quen thuộc, đó là Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hà Nội, TP.HCM.
Thái độ của các bộ, ngành
Trong số các hạn định trên, việc cần làm ngay và chịu áp lực thời gian lớn nhất là rà soát điều kiện kinh doanh, trong vòng chưa đến 2 tháng. Nhưng đó chưa phải là nỗi lo lớn nhất. Vì đây là việc đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 7/8/2015 về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Nhưng đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện phần việc này. Hầu hết bộ khác chưa có báo cáo. Nhưng đó cũng chưa phải là vấn đề lo ngại nhất.
Trong báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nêu danh một loạt bộ vẫn soạn thảo, ban hành các thông tư có nội dung trái thẩm quyền quy định về điều kiện kinh doanh.
Ví dụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2015, quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 3/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán; Bộ Y tế ban hành Thông tư 30/TT-BYT ngày 12/10/2015 quy định về hồ sơ, thủ tục cấp mới, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi đối với giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế...
Một loạt bộ vẫn soạn thảo, ban hành các thông tư có nội dung trái thẩm quyền quy định về điều kiện kinh doanh
Bộ Xây dựng bị nhắc tên với 2 lần, cả ở phần ban hành điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền và thời gian cấp phép xây dựng dài hơn so với năm trước…
Với tình trạng này, không chỉ khó bãi bỏ những điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực, nhưng vẫn đang được áp dụng, kỳ vọng cải thiện tận gốc chất lượng của hệ thống các quy định điều kiện kinh doanh có vẻ chưa hội tụ được các điều kiện tiên quyết.
Như vậy, mục tiêu chắc chân ở top 4, bước vào top 3 ASEAN về một số tiêu chí của Bảng Xếp hạng Môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới mà Dự thảo Nghị quyết đặt ra cho hai năm 2016 và 2017, cũng khó nằm trong tầm tay.