Các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa bán bảo hiểm hưu trí tới từng người dân

Các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa bán bảo hiểm hưu trí tới từng người dân

Một góc nhìn về 2 sản phẩm “chưa đạt” của khối nhân thọ

(ĐTCK) Bảo hiểm sức khỏe, dòng sản phẩm đặc biệt khi doanh thu phí lớn, trục lợi cao và phải cạnh tranh trực tiếp với bảo hiểm y tế của Nhà nước, được cả khối nhân thọ và phi nhân thọ cùng cung cấp.

Đối với khối nhân thọ, năm nay được dự báo sẽ có sự phát triển tốt hơn với dòng sản phẩm này, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy.

Tương tự, một sản phẩm được kỳ vọng của khối nhân thọ là bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Ngoài những rào cản khách quan là chế độ thuế chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp mua bảo hiểm cho người lao động thì bản thân sản phẩm cũng là lý do cần có sự mổ xẻ thêm. 

Bảo hiểm y tế vẫn chỉ là “bán kèm”

Để bảo hiểm cho sức khỏe của mình, người dân có thể lựa chọn mua bảo hiểm y tế (một trụ cột trong chế độ phúc lợi xã hội của Nhà nước), có thể mua bảo hiểm sức khỏe tại các doanh nghiệp phi nhân thọ với nhiều mức quyền lợi khám chữa bệnh và bồi thường khác nhau, và có thể mua bảo hiểm nhân thọ với quyền lợi bảo hiểm nằm viện, bệnh hiểm nghèo kèm theo sản phẩm chính.

Bảo hiểm y tế do Nhà nước cung cấp, có lẽ không phải bàn nhiều, là một trong những chỉ tiêu mà Quốc hội giao hàng năm cho Chính phủ thực hiện. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm xã hội là trên 76% và phấn đấu đến năm 2020, con số này sẽ vượt 90%.

Hiểu một cách đơn giản, bảo hiểm y tế toàn dân là bảo hiểm sức khỏe cho số đông, còn bảo hiểm sức khỏe các công ty bảo hiểm cung cấp là bảo hiểm dành cho số ít hơn, với những yêu cầu đặc biệt hơn. Và khi khách hàng đã có trong tay bảo hiểm y tế thì yếu tố khiến họ bỏ tiền để mua thêm một loại hình bảo hiểm tự nguyện khác, đòi hỏi một dịch vụ có chất lượng tốt hơn.

Nhưng thực tế, bảo hiểm sức khỏe với khối nhân thọ thường được coi là sản phẩm “cộng thêm” trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy vậy, điều khoản bảo hiểm cũng rất hấp dẫn với người được bảo hiểm.

Cụ thể, người được bảo hiểm sẽ được thanh toán đầy đủ chi phí điều trị theo mức viện phí và bệnh tật thông thường; thanh toán đầy đủ chi phí điều trị hoặc bảo lãnh chi trả chi phí điều trị với mức áp dụng phương pháp, công nghệ điều trị chất lượng cao, hoặc chế độ điều trị tự nguyện với các bệnh tật thông thường; chấp nhận thanh toán toàn bộ chi phí theo mức khoán một số tiền/1 bệnh điều trị, hoặc một số tiền/ngày điều trị để người tham gia bảo hiểm lựa chọn cách điều trị có lợi cho mình (điều trị thông thường vẫn đảm bảo chất lượng kết quả tốt, tiết kiệm được chi phí thanh toán viện phí để dư được số tiền bảo hiểm chi trả dùng vào bồi dưỡng sức khỏe, bù đắp giảm sút thu nhập trong thời gian điều trị)…

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, dòng bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hiện không được ưu tiên, nếu khách hàng thuần túy chọn mua bảo hiểm sức khỏe.

Các sản phẩm của khối phi nhân thọ thường có hiệu lực 01 năm (mua bảo hiểm từng năm một), phí bảo hiểm năm sau cao hơn năm trước vì rủi ro tăng (xác suất tai nạn, ốm đau, tử vong tăng theo độ tuổi hàng năm, thậm chí người trên 65 tuổi không được chấp nhận bảo hiểm), nhưng điều khoản chi trả rất tốt, được bảo lãnh viện phí, danh mục bệnh chi trả rộng…

Để dòng sản phẩm này trở thành sản phẩm độc lập, đóng góp doanh thu lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần cải cách sản phẩm của mình tốt hơn, tận dụng tối đa lợi thế vượt trội của mình.

Chẳng hạn, sản phẩm cần được thiết kế sao cho quyền lợi bảo hiểm sức khỏe được dài hạn và suốt đời, với phí bảo hiểm đóng ổn định đều đặn hàng kỳ và không phải đóng phí khi đến một thời gian nào đó quy định trong hợp đồng bảo hiểm (sau 10 năm, 15 năm, 20 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng bảo hiểm), có mức chi trả bảo hiểm cạnh tranh hơn.

Cùng với đó, liên quan đến chi trả một quyền lợi bảo hiểm, khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm (có thể nhỏ hơn, bằng, hoặc lớn hơn số phí bảo hiểm đã đóng tùy theo mức độ rủi ro được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm), các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần làm rõ cho khách hàng hiểu tính hơn hẳn của bảo hiểm nhân thọ với bảo hiểm y tế và bảo hiểm sức khỏe của phi nhân thọ: phí bảo hiểm đã đóng không bị mất đi và sẽ được hoàn trả.

Và nên nhớ, khi triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đặc biệt (bệnh hiểm nghèo, số tiền chi trả cao, số tiền được bảo hiểm lớn), doanh nghiệp bảo hiểm cần phải lưu ý khám sức khỏe cho người được bảo hiểm trước khi chấp nhận ký kết hợp đồng bảo hiểm, hoặc khôi phục hợp đồng bảo hiểm (tái tục được miễn) để phát hiện bệnh có trước khi bảo hiểm; kiểm soát được rủi ro gian lận bảo hiểm về nơi điều trị, hồ sơ điều trị, các tài liệu chứng từ xuất trình để được chi trả tiền bảo hiểm.

Bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp, về mặt nào đó phải cạnh tranh trực tiếp với bảo hiểm y tế của Nhà nước 

Bảo hiểm hưu trí cần mở rộng phân khúc

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là sự bổ sung cho bảo hiểm xã hội của Nhà nước, nhưng ở góc độ khác, tương tự như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng cần phải thể hiện tính vượt trội của mình.

Theo chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành, mỗi tháng, người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cơ quan bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thai sản, bảo hiểm trợ cấp tiền lương nghỉ trong những ngày ốm đau, tai nạn, thai sản, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm hưu trí.

Đa số người có bảo hiểm hưu trí do Nhà nước chi trả là làm ở cơ quan hành chính sự nghiệp, công an, quân đội và doanh nghiệp (hiện nay là khoảng 11 triệu người). Đa số doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thấp hơn mức thực trả và hơn nữa, Bảo hiểm xã hội chỉ chấp nhận mức lương cao nhất để đóng bảo hiểm xã hội là 20 lần mức lương cơ bản tối thiểu (20 x 1.250.000 đồng).

Vì vậy, một số người lao động ở vị trí quản lý cao cấp, có trình độ, lành nghề và hàm lượng tri thức đóng góp cho doanh nghiệp nhiều, được hưởng lương cao, nhưng đóng bảo hiểm với mức lương thấp và đây cũng là lực lượng lao động được doanh nghiệp ưu ái hơn, dễ bị đối thủ cạnh tranh lôi kéo, cần được bổ sung chế độ bảo hiểm hưu trí bằng bảo hiểm hưu trí tự nguyện để an tâm có thu nhập cao ổn định khi hết độ tuổi lao động.

Mặt khác, còn rất nhiều người lao động tự do, nông dân, thợ thủ công, chủ trang trại, tiểu thương, tiểu chủ… chưa thuộc đối tượng mua bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng chế độ hưu trí.

Vì vậy, nhu cầu phát triển bảo hiểm hưu trí tự nguyện là cần thiết, vấn đề là khâu tuyên truyền nâng cao ý thức người lao động và sản phẩm phù hợp với các đối tượng này.

Điểm đáng chú ý là tất cả các doanh nghiệp triển khai bảo hiểm hưu trí hiện tại đều chưa bán lẻ tới từng khách hàng, mà chỉ có gói cho doanh nghiệp. Việc này giúp tiết giảm chi phí quản lý cho doanh nghiệp, nhưng lại khiến những cá nhân có nhu cầu mua không tiếp cận được sản phẩm.

Tin bài liên quan