Một góc nhìn khác về vai trò của Formosa với ngành thép

Một góc nhìn khác về vai trò của Formosa với ngành thép

Không ít người đã e ngại về khả năng thị trường bị thu hẹp lại cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước khi những dự án lớn của nước ngoài như Formosa đi vào hoạt động. Dẫu vậy, vẫn có những doanh nghiệp không ngại đương đầu.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng  thép thành phẩm 6 tháng đầu năm 2014 đạt 5,72 triệu tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó thép xây dựng đạt 2,67 triệu tấn, tăng 4,57%; thép CRC đạt 1,06 triệu tấn, tăng 6,63%; ống thép hàn đạt 583.773 tấn, tăng 30,21% và thép mạ kim loại - sơn phủ màu đạt 1,4 triệu tấn, tăng 30,4%. Lượng phôi thép sản xuất cũng đạt 2,896 triệu tấn, tăng 10,46% so với cùng kỳ năm 2013.

Dù sản xuất vẫn tăng trưởng tốt, nhưng không ít doanh nghiệp (DN) thép vẫn rất lo ngại về sự cạnh tranh  trên thị trường trong nước ngày càng trở nên khốc liệt, với sự có mặt từ các nhà đầu tư khổng lồ, làm thật như Formosa khi thời điểm dự án này đi vào hoạt động cũng khoảng 1 năm nữa.

“Không có Formosa thì cũng có DN khác, chứ đừng hy vọng thị trường không có cạnh tranh”, là nhận xét thẳng thắn của Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Thép Hòa Phát (HPG) khi được các nhà đầu tư chất vấn “có e ngại phải cạnh tranh với Formosa không?”.

Ông Long cho hay, HPG hiện đang hướng tới mục tiêu làm thật để cạnh tranh sòng phẳng với thép Trung Quốc trên thị trường Việt Nam và ở các thị trường xuất khẩu mà HPG đang thâm nhập. Theo ông Long, chính sách của HPG là không xây dựng giá quặng đầu vào rẻ, mà lấy giá quặng thế giới để xây dựng giá thành và từ đó nhìn nhận rõ các yếu tố để cạnh tranh. Trong quá trình thực hiện, mua được quặng rẻ hơn thì hiệu quả tăng lên.

“Ngoài ra, HPG cũng không có chính sách đầu cơ hàng tồn kho, sản xuất theo kế hoạch để ổn định nguồn hàng. Bên cạnh đó, hàng năm dù lãi to nhưng HPG không chia cổ tức lớn, mà đều để dành lại một phần để khi mở rộng đầu tư thì không cần vay vốn ngân hàng. Lợi thế về nguồn vốn tự có này cũng khiến chi phí tài chính trên mỗi tấn thép của HPG chưa bằng nửa mức bình quân của các DN sản xuất thép khác”, ông Long nói và cho biết thêm, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2014 của HPG cao hơn tổng lợi nhuận của tất cả các DN thép đang niêm yết trên sàn chứng khoán cộng lại.

Nói về khả năng cạnh tranh với Formosa, Chủ tịch của HPG cũng cho hay, khi hoàn tất giai đoạn 3 của Khu liên hợp tại Hải Dương, HPG sẽ có 2 triệu tấn thép xây dựng thành phẩm, cao hơn sản lượng của sản phẩm cùng loại  ở dự án của Formosa.

Theo báo cáo vừa được Bộ Công thương hoàn tất, Dự án Khu liên hợp và Cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa  sẽ nhập khẩu 100% than mỡ để luyện coke, nhập khẩu 100% nguyên liệu quặng sắt từ Brazil và Australia để luyện phôi bởi hàm lượng sắt cao, tới 63-65%.

Trong giai đoạn 1, sản phẩm sẽ là thép cuộn cán nóng phụ vụ cho sản xuất nồi hơi, thép kết cấu ô tô, làm ống, làm thân tàu, thép cường độ cao và dùng làm nguyên liệu cho cán nguội với sản lượng 5,153 triệu tấn/năm. Ngoài ra sẽ có 1,2 triệu tấn thép sợi gồm các loại thép kết cấu carbon chất lượng cao, thép hợp kim, thép lò xo, làm trục khủy cùng 467.000 tấn phôi vuông. Để phục vụ cho sản xuất thép, Formosa cũng xây dựng nhà máy điện công suất 400 MW để chủ động nguồn điện.

“Dự án thép của Formosa chủ yếu là sản xuất thép cuộn cán nóng và thép sợi có chất lượng cao, chỉ có 467.000 tấn phôi thép vuông (trong đó 40% phôi sẽ xuất khẩu, 60% phôi tương đương 280.000 tấn phôi được tiêu thụ trong nước). Còn Dự án giai đoạn 3 của HPG dùng 100% phôi vuông để cán thép xây dựng, nguyên liệu quặng sắt 100% sử dụng trong nước. Như vậy dù cùng sản xuất phôi thép từ quặng nhưng cơ bản 2 dự án này không có sự cạnh tranh đáng kể với sản phẩm phôi thép”, báo cáo nhận xét.

Trước đó không lâu, chính HPG cũng bị nhiều DN sản xuất thép trong nước tố là “lấy thịt đè người do có lợi thế cạnh tranh từ mua quặng sắt trong nước khiến giá cả hấp dẫn hơn, làm nhiều DN sản xuất thép trong nước khác lao đao”.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công thương) cho hay, HPG không bán thép dưới giá thành và vẫn đang có lãi lớn nên không thể nói là bán phá giá thị trường.

Trên thực tế, có những DN như CTCP  Thép Thái Nguyên – Tisco, đầu tư 8 năm vẫn chưa xong lò cao, trong khi cũng đầu tư lò cao nhưng HPG chỉ làm khoảng 1,5 năm đã hoàn tất. Thực tế này cho thấy, nếu chỉ ăn xổi, trông chờ vào nguồn phôi nhập khẩu, những chênh lệch về thuế, hay không tính toán được khả năng cung cấp nguyên liệu, bản thân DN thép nội đã mệt mỏi để tìm đường trụ lại.  

Tin bài liên quan