Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Một doanh nghiệp xin nhập cát để xây cao tốc phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Tập đoàn TNT kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế thuận lợi để nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia để xây dựng các tuyến cao tốc đang triển khai tại khu vực phía Nam.

Công ty cổ phần Tập đoàn TNT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu cát từ Campuchia phục vụ các dự án đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, để kịp thời giải quyết nhu cầu cát đắp nền tại các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp này kiến nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương thí điểm đưa nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia trở thành một giải pháp thay thế cho nguồn cát thiếu hụt tại các công trình đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, TNT Group muốn sớm có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, vận tải cũng như nguồn tín dụng để doanh nghiệp có thể nhập khẩu cát với số lượng lớn, thuận lợi đáp ứng kịp thời nhu cầu các công trình đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo tự giới thiệu, TNT Group được thành lập năm 2007, có trụ sở tại TP. Hà Nội, kinh doanh trong các lĩnh vực: bất động sản, thương mại, xuất nhập khẩu khoáng sản.

TNT Group là một trong những doanh nghiệp nhập khẩu khối lượng lớn cát xây dựng, san lấp từ Campuchia về Việt Nam và xuất khẩu đi nước thứ ba.

“Hiện mỗi ngày, trung bình mỗi ngày chúng tôi nhập khẩu về Việt Nam từ 30.000 - 50.000 m3 cát và có thể tăng thêm sản lượng. Đối tác của TNT Group là doanh nghiệp được Chính phủ Campuchia cấp phép khai thác hợp pháp trên sông Mekong, có trữ lượng được cấp phép khai thác lên tới hàng trăm triệu m3”, ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch HĐQT TNT Group cho biết và cam kết đáp ứng yêu cầu của các dự án cao tốc đang triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng, chất lượng.

Hiện chưa rõ TNT Group và đối tác có được giấy phép xuất khẩu cát từ nước bạn hay không bởi trước đó, báo chí có phản ánh việc Campuchia cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn.

Theo đó, lệnh cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia là vì các vấn đề môi trường. Liên quan tới tình hình quản lý cát ở Campuchia, Bộ Xây dựng cho biết do lo ngại vấn đề môi trường sạt lở bờ sông trong việc khai thác cát, nên từ ngay năm 2014 Campuchia đã cấm xuất khẩu cát xây dựng và từ tháng 11/2016, cấm xuất khẩu cát biển sang Singapore.

Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam đã cấm xuất khẩu cát xây dựng từ năm 2009. Việc xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét tại các cửa sông, cảng biển thời gian qua được thực hiện theo thông báo của Văn phòng Chính phủ vào năm 2012. Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng vào tháng 6/2017, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc dừng hướng dẫn xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng tại các cửa sông, cảng biển.

Theo Bộ GTVT, vật liệu cát phục vụ cho các dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu tập trung ở hai nhánh lớn của dòng Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu, trữ lượng nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng…

Tổng nhu cầu vật liệu cát san lấp cho các dự án trong vùng như sau: Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 18,1 triệu m3 cát, trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.

Các dự án cao tốc trục ngang, gồm: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 28,91 triệu m3; trong đó, năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3 và năm 2025 là 8,95 triệu m3. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh cần tổng nhu cầu cát san lấp khoảng 3,1 triệu m3 và hiện đã được cân đối. Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cần gần 3,5 triệu m3 cát. Như vậy, tổng nhu cầu cát san lấp của cả 4 dự án cao tốc nói trên là xấp xỉ 54 triệu m3.

Do vướng mắc thủ tục, cơ chế giao mỏ vật liệu (cho nhà thầu khai thác), việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ.

Tin bài liên quan