Trụ sở Satra tại TP HCM.

Trụ sở Satra tại TP HCM.

Một DN bình ổn giá "nướng" 174 tỷ vào chứng khoán

Là một doanh nghiệp Nhà nước lớn với vốn điều lệ 3.600 tỷ đồng, bên cạnh việc kinh doanh, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) còn được giao nhiệm vụ bình ổn giá.

Tuy nhiên, khi bình ổn giá gạo, Satra chỉ hoàn thành chưa đầy 6% kế hoạch. Trong khi đó, Tổng cục Thuế vừa phát hiệndoanh nghiệp này tổn thất tới 174 tỷ đồng vì đầu tư chứng khoán.

 

Mua 103.000 đồng, còn 23.000 đồng/cổ phiếu

 

Mặc dù năm 2010, mức bảo toàn vốn của Satra là 1,09. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng đã thiệt hại không ít. Satra đã góp 2.229 tỷ đồng đầu tư vào 66 đơn vị thì vẫn có hơn 799,7 tỷ đồng góp vào 20 đơn vị không bảo toàn được vốn đầu tư, số vốn tổn thất phải trích dự phòng lên tới 268,6 tỷ đồng.

 

Tính đến hết quý I/2011, Satra vẫn còn hơn 546,4 tỷ đồng vốn đầu tư tại 8 đơn vị thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Trong đó, 6/8 đơn vị này là các ngân hàng với số vốn hơn 490 tỷ đồng. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế, đầu năm 2009, Chính phủ đã có Nghị định 09/NĐ-CP, quy định rõ: Đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty Nhà nước chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp .

   

Điều này đã đem lại hậu quả hiển nhiên. Chỉ có 4/8 đơn vị doanh nghiệp mà Satra đầu tư bảo toàn được vốn đầu tư (177 tỷ đồng). Có 4 đơn vị đầu tư với số vốn 369,4 tỷ đồng không bảo toàn được vốn đầu tư, số vốn tổn thất do cổ phiếu giảm giá lên tới hơn 174 tỷ đồng, bằng 31,9% vốn đầu tư. Điển hình của việc đầu tư dàn trải, dễ dãi là thương vụ mua cổ phiếu Vietcombank (VCB) năm 2008. Khi đó, Satra ký hợp đồng với Công ty CP quản lý Quỹ đầu tư Thành Việt với nội dung: Satra ủy thác cho Thành Việt đầu tư cổ phần của VCB, số lượng 481.095 cổ phiếu với giá 103.000 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 49,5 tỷ đồng.

 

Thực chất đây là hành động mua gom cổ phiếu VCB từ 44 nhà đầu tư tổ chức, cá nhân. Toàn bộ số tiền này đã được chuyển hết cho Thành Việt. Tháng 2/2008, Thành Việt xác nhận đã thực hiện hợp đồng, kèm theo danh sách 33 nhà đầu tư với số lượng như cam kết. Việc Thành Việt tự ý rút từ 44 xuống 33 nhà đầu tư, sau đó đã chuyển tiền sai địa chỉ thỏa thuận 2 cá nhân hơn 12,4 tỷ đồng được quy trách nhiệm cho Satra đã sơ hở, thiếu chặt chẽ.

 

Mặc dù Satra đã chuyển trả hết 49,5 tỷ đồng theo hợp đồng nhưng đến hết tháng 7/2011, doanh nghiệp này mới nhận được 266.095 cổ phiếu VCB tương đương 27,4 tỷ đồng. Sau nhiều tranh cãi, tháng 12/2010, Satra mới khởi kiện ra TAND Quận 3 (TP.HCM) để đòi nợ, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong. Số tiền chưa thu hồi được là 22,1 tỷ đồng của 215.000 cổ phiếu mới chỉ là thiệt hại tính trên giá mua 103.000 tỷ đồng; còn tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 11/11/2011, giá cổ phiếu VCB chỉ còn hơn 23.000 đồng/cổ phiếu.

 

Nhận vốn bình ổn giá rồi làm ngơ

 

Thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn, UBND TP.HCM đã ban hành các cơ chế, chính sách và kế hoạch triển khai công việc. Trong đó, dùng ngân sách thành phố, cho vay không lãi để doanh nghiệp đảm bảo bán hàng đến người tiêu dùng, nhất là người dân ngoại thành, công nhân lao động tại các KCN... với giá bán thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%,và giữ ổn định trong suốt thời gian thực hiện chương trình.

 

Satra cũng được vay hơn 11,3 tỷ đồng không lãi suất trong 10 tháng để bình ổn giá mặt hàng gạo trắng thường, số lượng 1.700 tấn/tháng. Doanh nghiệp này đã đăng ký giá với Sở Tài chính TP.HCM, giá bán gạo ổn định là 8.500 đ/kg tại 66 cửa hàng.

 

Tuy nhiên, trong suốt 6 tháng, từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011, Satra chỉ mua vào 900 tấn và bán ra hơn 604 tấn, bình quân 100,78 tấn/tháng, bằng chưa đầy 6% kế hoạch. Và một phần số gạo này cũng không bán lẻ đến tay người tiêu dùng mà 30 tấn được bán buôn cho Công ty TNHH thời trang Dệt may Việt Nam; 100 tấn bán cho Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM.