Lần gây chú ý này là công ty xây dựng Taeyoung Engineering & Construction, công ty đã gây chấn động thị trường vào cuối tháng 12/2023 với yêu cầu gia hạn thời hạn thanh toán cho các khoản vay tài trợ dự án. Những khoản vay này cũng là nguồn gốc của hai đợt căng thẳng trước đó, trong đó bao gồm một đợt do nhà phát triển công viên giải trí Legoland vỡ nợ vào năm 2022, khiến thị trường tín dụng nước này rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những rắc rối liên quan tới một chi nhánh của một trong những tổ chức tín dụng lớn nhất Hàn Quốc vào năm 2023.
Đề xuất của Taeyoung đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu ngân hàng và nhà phát triển bất động sản. Sự bất an của các nhà đầu tư xuất hiện ngay cả khi các quan chức Hàn Quốc cam kết đẩy mạnh chương trình trị giá 66 tỷ USD để ổn định thị trường nếu cần thiết, trong khi Bộ trưởng Tài chính nước này cam kết chính quyền “sẽ nỗ lực hết sức” để hạn chế tác động lan tỏa. Vào tuần trước, các chủ nợ của Taeyoung đã bày tỏ sự thất vọng sau cuộc họp để thảo luận về yêu cầu tái cơ cấu và cho rằng đòn bẩy của công ty là quá cao.
Cuộc đấu tranh thanh toán của Taeyoung là ví dụ mới nhất về tác dụng phụ của việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã làm trầm trọng thêm tình trạng sụt giảm giá nhà ở ở các quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc. Đó cũng là lời nhắc nhở về rủi ro từ việc một số ngân hàng địa phương khi phụ thuộc quá mức vào các khoản vay liên quan đến bất động sản như một nguồn lợi nhuận.
Công ty xây dựng dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn các công ty khác trong ngành đối với các khoản nợ tài trợ dự án. Khi công ty đang gặp khủng hoảng thanh khoản, người sáng lập Yoon Se-Young đã cố gắng cứu công ty, gặp gỡ các chủ nợ vào đầu tuần này.
Lee Bokhyun, Thống đốc Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) cho biết trong cuộc họp ngắn hôm thứ Năm (4/1) rằng, Taeyoung nên đệ trình kế hoạch tự giải cứu trong tuần này và các chủ nợ sẽ quyết định trước ngày 11/1 xem có nên bắt đầu các thủ tục tái cơ cấu hay không. Ông cho biết, FSS có kế hoạch dự phòng để ổn định thị trường tài chính nếu cần thiết.
Lee Kyoung-rok, nhà phân tích tại Shinyoung Securities Co. cho biết: “Vụ việc sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường vốn ngắn hạn và thị trường tài chính bất động sản". Trong khi kịch bản xấu nhất sẽ là “cuộc khủng hoảng lan rộng ở Taeyoung sang các công ty xây dựng khác và gây ra rủi ro thanh khoản tại các ngân hàng”, ông hy vọng các cơ quan quản lý sẽ ngăn chặn điều đó xảy ra.
Chủ nợ hàng đầu của Taeyoung là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) đã kêu gọi công ty đưa ra hướng đi tiếp theo để giành được đủ sự hỗ trợ cho việc gia hạn nợ. KDB cho biết, khi công ty này nộp đơn xin xử lý nợ, tất cả các khoản nợ của công ty sẽ bị đóng băng. Sau khi quá trình tái cơ cấu bắt đầu, các chủ nợ nên đàm phán với nhau về cách xử lý các khoản vay riêng lẻ.
Khủng hoảng nợ của công ty xây dựng đã gợi nhớ đến căng thẳng tài chính do một nhà phát triển công viên giải trí vỡ nợ vào cuối năm 2022 đối với cùng một loại khoản vay ngắn hạn, sau đó đã trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên thị trường tín dụng của Hàn Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự hỗn loạn lúc bấy giờ buộc chính phủ phải tung ra hàng loạt biện pháp giải cứu để bình ổn thị trường.
Các nhà hoạch định chính sách đã phải vào cuộc một lần nữa vào năm ngoái khi một chi nhánh của một trong những tổ chức tín dụng lớn nhất Hàn Quốc, Liên đoàn Hợp tác xã tín dụng cộng đồng Hàn Quốc (KFCC) hay còn được biết đến là Hợp tác xã tín dụng cộng đồng MG (MGCCC) đã đóng cửa sau khi báo cáo khoản lỗ 60 tỷ won cho các khoản vay tài trợ dự án, khiến chính quyền phải trích lập quỹ giải cứu trị giá hơn 100 tỷ USD.