Tình hình hoạt động chưa khả quan
UOBAM có hoạt động kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ quản lý quỹ mở, quản lý danh mục đầu tư ủy thác và tư vấn đầu tư cho các khách hàng tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Năm 2024, Công ty đẩy mạnh việc phân phối hai quỹ mở, bao gồm Quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (UVEEF) và Quỹ đầu tư United thu nhập năng động Việt Nam (UVDIF) tại thị trường Việt Nam. Tổng giá trị tài sản Công ty quản lý tính tại ngày 31/12/2024 là 2.855 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán vừa công bố, năm qua, UOBAM ghi nhận doanh thu 19,5 tỷ đồng, tăng 30,3% so với năm 2023; lỗ sau thuế 1,4 tỷ đồng, giảm gần 87% so với mức lỗ sau thuế 10,7 tỷ đồng trong năm trước đó.
Một trong những lý do giúp doanh thu hoạt động của UOBAM tăng trong năm 2024, góp phần tích cực giảm lỗ sau thuế là doanh thu hoạt động tài chính của Công ty tăng 7 lần so với năm trước đó. Trong đó, đóng góp lớn nhất cho doanh thu hoạt động tài chính năm 2024 của UOBAM là lãi từ bán chứng chỉ quỹ đạt 13,1 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với năm 2023.
Cụ thể, đầu năm 2024, Công ty nắm giữ 3,95 triệu chứng chỉ quỹ UVEEF do Công ty quản lý, tương đương hơn 49,5 tỷ đồng (với giá thị trường tại thời điểm 31/12/2023 là 12.281,54 đồng/chứng chỉ quỹ). Trong năm 2024, Công ty bán ra toàn bộ số chứng chỉ quỹ này, thu về 52,6 tỷ đồng, với lợi nhuận đạt được cho giao dịch này là hơn 13,1 tỷ đồng.
Với diễn biến tiêu cực của giá chứng chỉ quỹ UVEEF kể từ đầu năm 2025 tới nay, có thể nói, UOBAM đã bán đúng đỉnh chứng chỉ quỹ do chính mình quản lý.
Bên cạnh đó, trong doanh thu hoạt động tài chính, lãi tiền gửi ngân hàng đạt 2,4 tỷ đồng, trong khi năm 2023 là 41,6 triệu đồng.
Tuy vậy, do chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2024 ghi nhận mức tăng 32% so với năm 2023, với 36,5 tỷ đồng, UOBAM vẫn báo lỗ trong năm 2024 và đây là năm thua lỗ thứ 4 liên tiếp của công ty này.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, theo UOBAM, chủ yếu do việc mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng đội ngũ nhân sự và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ các chiến lược, kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí quản lý doanh nghiệp là chi phí nhân viên quản lý, với mức 22,8 tỷ đồng (chiếm 62,5%), tăng 16,3% so với năm trước. Tính tới cuối năm 2024, Công ty có 26 nhân viên.
![]() |
Thành quả đầu tư biến động
Xét về tình hình kinh doanh của 2 quỹ mở do UOBAM quản lý, Quỹ Đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (Quỹ UVEEF) thành lập vào tháng 11/2022 và được xem là quỹ mở tiên phong tại Việt Nam tích hợp việc áp dụng đánh giá các yếu tố ESG trong quy trình phân tích đầu tư và lựa chọn cổ phiếu, bên cạnh việc phân tích các yếu tố cơ bản.
Cùng với sự bùng nổ của các quỹ mở cổ phiếu năm 2024, hiệu quả đầu tư của UVEEF cũng tích cực. Hiệu suất đầu tư (giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ) của Quỹ UVEEF đạt 20,8% trong năm 2024, so với mức tăng 8,8% của chỉ số VN-Index. Tính tại thời điểm cuối năm 2024, tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ UVEEF là 479,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2025, với diễn biến bất ngờ từ chính sách thuế quan của Mỹ và nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu, thành quả đầu tư của UVEEF gần như bị xoá sạch. Tính tới ngày 8/4/2025, hiệu suất đầu tư trong 3 tháng của UVEEF là -14,68% và trong 1 năm là -11,03%.
Theo số liệu của Fmarket, tính tới ngày 8/4/2025, hiệu suất đầu tư của UVEEF thuộc nhóm thấp bậc nhất trên thị trường.
![]() |
Rủi ro thị trường là điều không thể tránh khỏi của nhà đầu tư khi đầu tư chứng chỉ quỹ, vì giá của chứng chỉ quỹ phụ thuộc vào giá thị trường của các tài sản mà quỹ đầu tư mua vào và giá trị này có thể giảm mạnh khi thị trường diễn biến tiêu cực.
Trong tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2025, UVEEF cho biết, hướng tới năm 2025, Quỹ đánh giá triển vọng lạc quan cho thị trường chứng khoán Việt Nam, được hỗ trợ bởi các động lực chính bao gồm: Tăng trưởng kinh tế vĩ mô mạnh mẽ cùng với các mục tiêu tham vọng của Chính phủ, bao gồm tăng trưởng GDP dự kiến đạt 8%, ngân sách đầu tư công dự kiến tăng 16,7% so với kế hoạch năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức 16%. Thu nhập doanh nghiệp dự báo tăng trưởng cao ở mức hai con số và định giá (P/E) hấp dẫn và tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025.
UVEEF cũng đánh giá, mức định giá hiện khá thấp so với mức trung bình của VN-Index đang mang đến cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn để tích lũy cổ phiếu Việt Nam, được hỗ trợ bởi bối cảnh kinh tế vĩ mô mạnh mẽ cùng với khả năng cao thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng quan sát cẩn thận các rủi ro ảnh hưởng tới thị trường như tình hình xung đột địa chính trị vẫn còn phức tạp, nguy cơ chiến tranh thương mại. Ngoài ra, dòng tiền khối ngoại vẫn bán ròng trên thị trường có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường cổ phiếu”, UVEEF cho biết.
Về chiến lược đầu tư, Quỹ ưu tiên các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ như ngân hàng (được hưởng lợi từ việc mở rộng tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ); bán lẻ (được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ nội địa, du lịch phục hồi mạnh); khu công nghiệp (được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI ổn định) và một số ngành được hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công trong năm nay.
Ngoài ra, Quỹ cũng theo dõi sát sao ngành bất động sản để vào vị thế khi có dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi của ngành. Tính tới cuối tháng 3/2025, danh mục đầu tư của Quỹ đang theo đúng chiến lược này, với việc phân bổ 44,02% giá trị tài sản đầu tư vào cổ phiếu nhóm ngân hàng, cách biệt lớn so với các nhóm ngành còn lại trong danh mục như công nghệ thông tin 7,44%, vận tải - kho bãi 5,17%, thiết bị điện 4,1%.
Trong danh mục đầu tư lớn tính tới cuối tháng 3, các khoản đầu tư nắm giữ tỷ trọng lớn nhất là cổ phiếu ACB (8,63%), MBB (6,73%), TCB (6,46%) và FPT (5,71%).
Bên cạnh Quỹ UVEEF, Công ty cũng cho ra mắt sản phẩm quỹ đầu tư cân bằng dạng quỹ mở thứ hai với tên gọi Quỹ đầu tư United thu nhập năng động Việt Nam (UVDIF) vào tháng 8/2024. UVDIF tìm kiếm nguồn thu nhập đều đặn định kỳ và tiềm năng tăng trưởng thông qua danh mục đầu tư, gồm các tài sản có thu nhập ổn định và cổ phiếu chất lượng cao. Quỹ cũng hướng đến mục tiêu chi trả lợi tức mỗi năm. Tính đến cuối năm 2024, sau 4 tháng hoạt động, UVDIF đạt hiệu suất đầu tư 1,41%, với tổng giá trị tài sản ròng là 89,6 tỷ đồng.
Tương tự diễn biến của Quỹ UVEEF, Quỹ UVDIF cũng “lao dốc” trong những phiên giao dịch vừa qua. Tính tới ngày 8/4/2025, hiệu suất đầu tư của Quỹ là -2,31%.