Một cổ phiếu ngân hàng thỏa thuận hơn 155 triệu đơn vị, HAG dẫn sóng nhóm nông nghiệp

Một cổ phiếu ngân hàng thỏa thuận hơn 155 triệu đơn vị, HAG dẫn sóng nhóm nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường có thêm một phiên giao dịch tích cực khi thanh khoản đứng ở mức cao dù điểm số chính chỉ nhích nhẹ. Điểm nhấn đáng chú ý đến từ hai mã HAG khi có phiên bùng nổ kể từ tháng 9 năm ngoái và hơn 155 triệu cổ phiếu PGB được thỏa thuận trên UpCoM.

Cổ phiếu HAG phiên này nổi sóng mạnh, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường và đây cũng là khối lượng khớp lệnh cao nhất kể từ cuối tháng 9/2022. Giá cổ phiếu HAG có thời điểm đã chạm mức giá trần, trước khi hạ nhiệt đôi chút và còn +6,8% lên 8.760 đồng khi đóng cửa, mức cao nhất kể từ đầu tháng 2 năm nay.

Giá cổ phiếu HAG lên cao và thu hút lực mua có lẽ đến từ diễn biến giá thịt lợn đang có xu hướng tăng mạnh. Theo đó, trong quý I, giá bán thịt lợn hơi ở mức thấp. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý II, giá thịt lợn hơi có dấu hiệu tăng và tăng mạnh đầu tháng 5 đến nay và đã lên mức 62.000-65.000 đồng/kg tại miền Bắc và 58.000-62.000 đồng/kg tại miền Trung và miền Nam. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây.

Các chuyên gia dự báo, cuối năm nhu cầu tiêu thụ sẽ thúc đẩy giá thịt lợn hơi tăng ở mức từ 67.000-70.000 đồng/kg.

Với doanh nghiệp tự sản xuất được cám như HAG với giá vốn chỉ khoảng 45.000 đồng/kg, và HAG sẽ “lãi đậm” nếu giá thịt duy trì hoặc tăng đến 70.000 đồng/kg như bầu Đức dự đoán trong Đại hội đồng cổ đông thường niên của HAG.

Với diễn biến chỉ số chính, sau phiên sáng khá tích cực với dòng tiền chảy mạnh, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục khả quan, có thời điểm VN-Index trở lại ngưỡng cao nhất của phiên sáng trên 1.155 điểm. Nhưng nhóm bluechip phân hóa mạnh và sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn trên bảng điện tử đã khiến VN-Index đổ đèo khá nhanh từ vùng giá trên và được chặn lại ở ngưỡng 1.150 điểm ở nửa sau của phiên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 236 mã tăng và 197 mã giảm, VN-Index tăng 2,75 điểm (+0,24%), lên 1.151,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 936,9 triệu đơn vị, giá trị 19.137,5 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 6% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 85,9 triệu đơn vị, giá trị 2.301 tỷ đồng.

Đà tăng của HAG cũng đã tiếp sức thêm cho nhóm cổ phiếu nông nghiệp, dịch vụ với DBC +5,8% lên 25.700 đồng, TSC +5,4% lên 4.920 đồng, PAN +2,2% lên 20.800 đồng.

Các cổ phiếu tăng tốt phiên này còn đến từ một số cổ phiếu ở nhóm bất động sản, xây dựng như DC4, CCL khi đều đóng cửa ở giá trần tại 9.630 đồng và 7.910 đồng. Các mã TCD +5% lên 9.280 đồng, HHS +3,9% lên 5.060 đồng, BCG +3,7% lên 9.800 đồng, CTD +3,1% lên 77.300 đồng.

Đáng chú ý là cổ phiếu IBC được mua bắt đáy mạnh và tăng kịch trần +6,6% lên 1.950 đồng, khớp gần 3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau phiên sáng tăng khá tốt đã dần đuối sức trong phiên chiều, nhưng vẫn đóng cửa ở trên tham chiếu khi các mã lớn đứng vững.

Chốt phiên, sàn HNX có 92 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,37%), lên 229,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111,7 triệu đơn vị, giá trị 1.732 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,8 triệu đơn vị, giá trị 132,1 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu đáng chú ý như NSH và C69, khi tăng trần lên 6.400 đồng và 10.800 đồng, khớp lần lượt 0,46 triệu và 1,27 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, bộ ba cổ phiếu APEC đều giảm sàn, với IDJ về 5.200 đồng, khớp 10,65 triệu đơn vị, APS về 5.700 đồng, khớp 7,04 triệu đơn vị và API về 5.800 đồng, khớp 5,21 triệu đơn vị.

Trên upCoM, chỉ số UpCoM-Index lùi xuống đôi chút so với mức đỉnh của phiên sáng và đi ngang cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,58 điểm (+0,69%), lên 85,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,2 triệu đơn vị, giá trị 736,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 161,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.335 tỷ đồng.

Cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Việt Nam phiên này có hơn 155,7 triệu đơn vị thỏa thuận, chiếm hơn một nửa số cổ phiếu này đăng ký giao dịch trên UpCoM, trị giá giao dịch phiên này hơn 3.274 tỷ đồng, tương đương mức giá 21.200 đồng.

Đối với giao dịch khớp lệnh, PGB chỉ có hơn 134.000 đơn vị, nhưng giá cổ phiếu tăng trần +14,8% lên 27.900 đồng.

Trong cơ cấu cổ đông lớn của PGB hiện tại, chỉ có nhóm ba công ty đang nắm giữ 40,5% với tỷ lệ từ 13,1%-13,5%/mỗi công ty, bao gồm: CTCP Quốc tế Cường Phát, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều nhích nhẹ, với VN30F2307 tăng 1,5 điểm, tương đương +0,13% lên 1.138 điểm, khớp lệnh đạt hơn 146.500 đơn vị, khối lượng mở hơn 61.100 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này hai mã CMWG2305 và CMWG2302 vượt trội về khối lượng giao dịch, với 2,05 triệu và 1,87 triệu đơn vị, trong đó, CMWG2305 tăng 2% lên 4.080 đồng/cq, còn CMWG2302 tăng vọt 22,7% lên 540 đồng/cq.

Tin bài liên quan