Theo thông tin tại Đại hội đồng cổ đông Hanoimilk diễn ra ngày 25/6, kết thúc năm 2015, Công ty đạt tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 288 tỷ đồng và gần 3,2 tỷ đồng, thực hiện lần lượt 98% và 78,3% so với kế hoạch đề ra. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2015, Hanoimilk dự kiến không chia cổ tức để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Trong thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư gần 670 tỷ đồng cho 2 dự án đều nhắm đến việc đổi mới công nghệ, tăng công suất phục vụ cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Nguồn tiền đầu tư sẽ được huy động chủ yếu từ phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn 3 năm, giá trị khoảng 200 tỷ đồng trong 2 đợt (quý III/2016 và quý II/2017).
Bên cạnh đó là tiếp tục triển khai dự án thuê đất trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa tại Mê Linh. Trong năm 2017 sẽ hoàn thành công tác hỗ trợ đền bù và giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ thiết kế và hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép để bắt đầu triển khai xây dựng. Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng thêm sản phẩm, có thể mở rộng thành trang trại tham quan thu hút khách du lịch.
“Khi đi vào thực hiện các dự án, lợi nhuận sẽ tốt hơn, Hanoimilk lúc đó chỉ việc ngồi "vắt sữa". Hiện Công ty vẫn trong thời gian phải đầu tư, bởi vậy lợi nhuận chưa thể cao trong ngắn hạn”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, cổ đông nhỏ lẻ của Hanoimilk lại chỉ quan tâm đến cổ tức và mong muốn có cam kết từ ông Chủ tịch. Bởi kể từ sau sự cố năm 2008, khi Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố rộng rãi nguyên liệu sản xuất sữa của Hanoimilk có chứa chất melamine, họ chưa nhận được cổ tức, trong khi cổ phiếu lại rớt giá thê thảm, hiện giao dịch ở mức 7.900 đồng/CP.
Trước sự sốt ruột của cổ đông về việc chia cổ tức, ông Hà Quang Tuấn cho rằng: “Bản thân chúng tôi (những cổ đông lớn) cũng quan tâm đến việc chia cổ tức. Nhưng do lợi nhuận còn lại quá ít nên muốn gom lại để đầu tư, hy vọng năm sau sẽ có thể chia cổ tức”.
Trước sự “lạc quan” của ông Tuấn, các cổ đông không khỏi lo ngại, bởi theo họ, các dự án trên nếu suôn sẻ cũng chưa thể tạo ra lợi nhuận ngay cho năm 2016, chưa kể công tác đền bù của dự án trồng cỏ không hề dễ dàng. Ông Tuấn cho hay, theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân TP. Hà nội với dự án trồng cỏ chăn bò sữa tự nhiên, trước mắt chỉ thực hiện đúng theo kế hoạch là trồng cỏ nuôi bò, sau này có thể xin phép phát triển thêm sản phẩm nông sản. Hiện Công ty đang làm công tác giải phóng mặt bằng.
Thậm chí, một số cổ đông còn mạnh dạn đưa ra đề xuất “kích giá” cổ phiếu để bù đắp cho việc nợ cổ tức nhiều năm, như đưa ra một kế hoạch “tươi sáng” về lợi nhuận và cổ tức giai đoạn 2016- 2020.
Bản lĩnh của vị chủ tịch cũng chưa thuyết phục cổ đông khi tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, lãnh đạo HNM tiếp tục đổ lỗi cho những hệ lụy từ scandal năm 2008.
Không chỉ làm khó vị chủ tịch về những yêu cầu cổ tức, cổ đông Hanoimilk còn “bất bình” vì các khoản chi phí quá cao, mà theo họ đã làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của Công ty.
“Cần xem lại tính hiệu quả của hoạt động bán hàng khi chi phí về marketing bán hàng/doanh thu đang ở mức quá cao (25%), chưa kể kế hoạch đặt ra cho năm 2016 là 27,5%”, phát biểu này của đại diện ủy quyền cổ đông Hồ Thị Kim Chung nhận được sự đồng tình của đại hội.
Ông Tuấn chia sẻ, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2015 cao do khoản dự phòng gần 4,7 tỷ đồng theo yêu cầu của kiểm toán và phải hạch toán một phần chi phí dự án nâng cấp nhà máy. Về chi phí quảng cáo bán hàng, theo ông Tuấn là do quản lý chi phí chưa tốt. Do đó, Hanoimilk đã miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc kiêm phụ trách bán hàng của ông Phan Mạnh Hòa.
Song vị Chủ tịch này lại đổ thêm dầu vào lửa khi nói rằng, chi phí bán hàng trong thời gian tới vẫn tăng: “Công ty đang đứng trước sự cạnh tranh rất khốc liệt, các đối thủ khuyến mại mua 4 tặng 1, chưa kể còn ưu đãi cho cửa hàng, nhà phân phối, nhân viên bán hàng. Trong khi đó, Hanoimilk mới bắt đầu trở lại thị trường nên chi phí bán hàng khó có thể giảm”.
Trong khi chờ “vắt sữa”, ngay trong năm 2016, để đạt được mục tiêu kinh doanh đã đề ra, kế sách ưu tiên của Ban lãnh đạo Công ty vẫn là đầu tư mạnh cho marketing để hỗ trợ bán hàng, quảng bá thương hiệu IZZI và Hanoimilk Master Brand, đẩy mạnh doanh số bán hàng các sản phẩm sữa.
Như vậy có thể thấy thời gian qua, Hanoimilk đã gặt hái được một số kết quả như tập trung khai thác phân khúc sữa trẻ em với thương hiệu khá thành công là sữa IZZI, triển khai thực hiện đầu tư Dự án đầu tư nâng cấp nhà máy đúng tiến độ. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện dự án đầu tư sản xuất sữa chua ăn với quy mô ban đầu 20 tấn/ngày đã mở ra cho Hanoimilk cơ hội tham gia vào thị trường nhiều hứa hẹn này. Hiện tại, sữa chua ăn đã đóng góp tới gần 40% doanh số của Công ty.
Song với thách thức từ bài toán chi phí, chiến lược đầu tư, ông Hà Quang Tuấn và Ban lãnh đạo Hanoimilk còn phải làm rất nhiều việc mới mong có thể chia cổ tức cho cổ đông trong năm nay.
Trước thông tin có tập đoàn của Indonesia đã tiếp cận Hanoimilk để tiến hành mua lại, ông Tuấn cho biết: “Hanoimilk đã nhiều lần khẳng định thông tin này là không có thật. Công ty không tiếp xúc với bất kỳ tập đoàn nào của Indonesia về việc mua bán doanh nghiệp. Công ty đã gửi công văn đề nghị Công an Hà Nội kiểm tra, tránh việc lợi dụng thông tin để thao túng giá cổ phiếu”.