Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, GDP quý III/2022 tăng 13,67% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các ngành và lĩnh vực (phục hồi theo xu hướng hình chữ K). Trong khi một số lĩnh vực như du lịch và các ngành dịch vụ khác vẫn đang “chậm rãi” trong quá trình phục hồi, thì sản lượng của khu vực sản xuất - kinh doanh đều đã vượt qua mức trước đại dịch. Với sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế, cùng với lợi thế dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và tình hình chính trị ổn định, Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, sự không chắc chắn trong phục hồi kinh tế - xã hội của Hàn Quốc và sự sụt giảm giá trị của đồng tiền Hàn Quốc so với đô la Mỹ đã khiến đa số nhà đầu tư Hàn Quốc trở nên thận trọng hơn khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài.
Trước bối cảnh này, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã và đang điều chỉnh chiến lược đầu tư và tập trung vào Việt Nam để khai thác tối đa tiềm năng.
Đối tác chiến lược - xu hướng mới trên thị trường M&A
Trước kia, các nhà đầu tư Hàn Quốc thường ưu tiên việc mua lại toàn bộ công ty mục tiêu. Sau khi mua lại, các chủ sở hữu mới đều phải thực hiện việc tái cấu trúc và đầu tư thêm để hoạt động kinh doanh trở nên ổn định và có lợi nhuận.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà đầu tư Hàn Quốc ngày càng quan tâm đến việc tìm kiếm các đối tác Việt Nam để tạo ra sức mạnh tổng hợp dựa trên sự kết hợp giữa hiểu biết thị trường, uy tín và nhân lực địa phương. Trong vài năm qua, thị trường M&A Việt Nam đã chứng kiến sự hình thành một số quan hệ đối tác chiến lược nổi bật giữa các công ty lớn trong nước và các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Hana Financial Group đã thành lập quan hệ đối tác chiến lược với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thông qua việc KEB Hana Bank mua 15% cổ phần của BIDV (vào tháng 12/2019), theo sau đó là việc Hana Financial Investment Co., Ltd mua 35% cổ phần của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (năm 2022).
Ngay cả trong thời điểm bùng nổ của đại dịch Covid-19, chúng ta cũng được chứng kiến thương vụ đầu tư chiến lược của Tập đoàn Tài chính Shinhan vào Tiki - công ty thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam (tháng 5/2022).
Hàng tỷ USD vốn đầu tư của các tập đoàn tài chính Hàn Quốc đổ vào Việt Nam cho thấy triển vọng dài hạn tại thị trường Việt Nam và niềm tin của nhà đầu tư Hàn Quốc vào các đối tác trong nước. Liên minh và quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác địa phương đã trở thành một lựa chọn gia nhập thị trường ngày càng phổ biến đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc khi cân nhắc chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả.
Việt Nam - yếu tố quan trọng trong chiến lược toàn cầu
Là đối tác lớn nhất trong khối ASEAN của Hàn Quốc, Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ lớn của Hàn Quốc. Việc đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trước hết nhằm mục đích củng cố chỗ đứng tại Việt Nam, sau đó là mở rộng ra thị trường khu vực và toàn cầu.
Năm 2019, chúng tôi quan sát thương vụ M&A lớn giữa Delivery Hero - nền tảng giao đồ ăn lớn nhất ở châu Âu và Woowa Brothers Corp - nền tảng giao đồ ăn lớn nhất ở Hàn Quốc. Mặc dù dẫn đầu trong từng thị trường hiện tại tương ứng, nhưng một trong những yếu tố hấp dẫn nhất là sự hiện diện của Woowa Brothers tại Việt Nam. Ngay sau khi hoàn tất việc sáp nhập giữa hai công ty mẹ, Woowa Brothers Việt Nam đã nhận được khoản đầu tư bổ sung đáng kể để mở rộng hoạt động, hướng tới mục tiêu trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ giao đồ ăn trong nước và hơn thế nữa.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, khoảng 370 triệu USD đã được rót vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Dự báo, trong thời gian tới, ngày càng nhiều tập đoàn Hàn Quốc gia nhập và tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các hoạt động M&A.
Bất động sản - lĩnh vực đầy tiềm năng và hấp dẫn
Trong lĩnh vực bất động sản, hai phân khúc hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài là dự án thương mại, nhà ở và phát triển hạ tầng khu công nghiệp.
Bất động sản luôn là lĩnh vực đầy hấp dẫn với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và tỷ suất lợi nhuận cao. Dân số Việt Nam hiện nay gần 100 triệu người và dự kiến đạt 120 triệu người vào năm 2050, bởi vậy, nhu cầu đối với ngành bất động sản nhà ở trong những năm tới được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, khoảng 370 triệu USD đã được rót vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Dự báo, trong thời gian tới, ngày càng nhiều tập đoàn Hàn Quốc gia nhập và tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam thông qua các hoạt động M&A.
Bằng nguồn vốn tích lũy được trong thời kỳ đại dịch, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân sở hữu tài sản ròng lớn tại Hàn Quốc đang ráo riết tìm kiếm các dự án bất động sản có tiềm năng cao và nguồn doanh thu ổn định.
Đơn cử, Tập đoàn Lotte, sau thành công của khu phức hợp Lotte Hanoi Center, đã liên tục phát triển các dự án bất động sản lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, Lotte đang phát triển Dự án Lotte Mall Hanoi trị giá 600 triệu USD tại Hà Nội (mua lại từ Ciputra), dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Gần đây, tập đoàn này cũng đã khởi công Dự án Lotte Eco Smart City trị giá 900 triệu USD tại TP.HCM.
Các cá nhân Hàn Quốc sở hữu tài sản ròng lớn cũng đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư bất động sản của mình sau một chuỗi tăng trưởng chưa từng có trên thị trường bất động sản Hàn Quốc. Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới, có hơn 150.000 người Hàn Quốc đang sinh sống, là một trong những cộng đồng người gốc Hàn đông nhất thế giới. Kể từ năm 2015, khi Luật Nhà ở được thông qua, cho phép người nước ngoài mua căn hộ và nhà thấp tầng trong các dự án phát triển bất động sản, nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc rất tích cực tìm kiếm các dự án phát triển chất lượng cao tại Việt Nam.
Thị trường bất động sản trong nước đang đối mặt với rất nhiều thách thức do thắt chặt nguồn tín dụng đổ vào các dự án bất động sản và lo ngại ảnh hưởng tiêu cực từ các vụ bê bối của các công ty bất động sản lớn trong nước như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Ngược lại, các nhà đầu tư Hàn Quốc như Lotte thường có nguồn tài chính xuyên biên giới ổn định hơn với chi phí đi vay thấp hơn. Những tình huống này tạo cơ hội để lựa chọn các dự án phát triển tốt hơn với sản phẩm chất lượng và hoạt động kinh doanh ổn định, từ đó thu hút người mua cuối cùng là các cá nhân sở hữu tài sản ròng lớn.
Cùng với dự án thương mại và nhà ở, phát triển hạ tầng khu công nghiệp cũng đang chứng tỏ tiềm năng. Đại dịch Covid-19 đã khiến xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới ngày càng rõ nét do lo ngại về căng thẳng địa chính trị, việc tiếp tục áp dụng chính sách zero-Covid nghiêm ngặt và rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam áp dụng linh hoạt các biện pháp chống dịch khác nhau, giúp tránh được tình trạng dừng hoạt động trên quy mô lớn. Vì thế, Việt Nam đang là một trong những “ứng cử viên” hàng đầu tiếp nhận làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn khi di dời nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Cùng với sự mở rộng hoạt động của các nhà sản xuất khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung, LG, Kolon…, các nhà cung cấp cũng đi theo gia nhập Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Tận dụng xu hướng phát triển này, Tập đoàn Nhà đất LH Hàn Quốc đã bắt tay với một đối tác địa phương để phát triển dự án khu công nghiệp sạch tại tỉnh Hưng Yên.
Với nhu cầu và dư địa lớn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản công nghiệp, triển vọng thị trường M&A trong lĩnh vực này được đánh giá là khả quan trong tương lai.
Năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong 30 năm qua, Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn của Việt Nam và thường xuyên là nhà đầu tư lớn nhất cả về đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Với chính sách mở cửa thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhận được sự gia tăng đầu tư từ Hàn Quốc, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát triển tốt đẹp.
Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, 30% đầu tư của Hàn Quốc tại ASEAN hướng vào Việt Nam; kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tương đương 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt hơn 60 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, kim ngạch song phương ước đạt 90 tỷ USD.