Morgan Stanley: Mức 80 USD/thùng có thể làm triệt tiêu nhu cầu về dầu

Morgan Stanley: Mức 80 USD/thùng có thể làm triệt tiêu nhu cầu về dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm 28/9, giá dầu Brent lần đầu vượt qua ngưỡng 80 USD/thùng kể từ tháng 10/2018. Điều này giúp những nhà sản xuất dầu thô hưởng lợi, nhưng lại gây ra nhiều thách thức cho nền kinh tế.

Với mùa Đông sắp tới và cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, bức tranh nhu cầu có vẻ đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo về việc nhu cầu có thể bị triệt tiêu khi giá tăng cao hơn.

“Giá dầu đang đi đến mức bắt đầu phá huỷ nhu cầu dầu mà chúng tôi ước tính ở quanh mức 80 USD/thùng. Đây vẫn là luận điểm của chúng tôi”, Morgan Stanley cho biết.

Morgan Stanley cho biết thêm: “Mức giá mà tại đó nhu cầu bị kéo giảm có thể rất khó ước tính. Chúng tôi giữ nguyên dự báo giá dầu hiện tại nhưng nhận ra rằng, theo xu hướng hiện tại, kịch bản tăng giá của chúng tôi lên 85 USD/thùng rõ ràng là khả thi”.

Hôm thứ Ba (28/9), Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, biến thể Delta đang làm chậm tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và đã hạ dự báo tăng trưởng đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự suy giảm tiềm năng với cuộc khủng hoảng Evergrande và tình trạng thiếu điện ngày càng gia tăng đang ảnh hưởng đến các nhà máy, gia đình và chuỗi cung ứng.

Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao của PVM Oil Associates có trụ sở tại London cảnh báo: “Những rắc rối kinh tế của Trung Quốc đang phủ bóng đen lên nhu cầu dầu và do đó là triển vọng giá dầu”.

Mặt khác, giá năng lượng cao hơn cũng sẽ thúc đẩy lạm phát, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với nhu cầu.

“Giá dầu tăng là một trong những động lực lớn nhất của lạm phát. Tình hình lạm phát ngày càng tồi tệ sẽ đóng vai trò là lực cản đối với sự phục hồi kinh tế mong manh và tiêu thụ dầu. Điều này đưa chúng ta vào vấn đề nhu cầu bị tiêu huỷ một cách dễ dàng”, nhà phân tích Brennock viết trong một lưu ý hôm 28/9.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới đã bắt đầu bán dầu từ nguồn dự trữ chiến lược quốc gia trong tháng này. Đây là một động thái chưa từng có để cố gắng hạ giá dầu thô khi chi phí năng lượng tăng cao trong khu vực. Mặc dù không thành công trong việc hạ giá toàn cầu, nhưng động thái này đã phát đi một thông điệp quan trọng.

“Lý do cho sự động thái này nằm ở giá dầu. Ở mức trên 70 USD/thùng, dầu thô dường như đã trở nên quá đắt đối với Bắc Kinh và New Delhi. Giá dầu chạm mức 80 USD/thùng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới những quốc gia mua dầu thô chủ chốt này và có khả năng làm suy yếu nhu cầu nhập khẩu”, nhà phân tích Brennock cho biết.

Trong khi đó, sau khi giá dầu Brent vượt 80 USD/thùng lần đầu tiên trong gần 3 năm, Nhà Trắng ngày 28/9 đã liên lạc với OPEC để bàn về vấn đề này và xem xét mọi công cụ giải quyết nhằm tránh tình trạng giá dầu quá cao làm ảnh hưởng tới đà hồi phục kinh tế.

"Tôi đảm bảo với các bạn rằng, chúng tôi không chỉ tham gia với OPEC, chúng tôi đang tìm mọi cách để giảm giá khí đốt", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 28/9 trong cuộc họp tại Nhà Trắng.

Tin bài liên quan