Nhiều mối lo ngại liên quan đến làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai sẽ tác động tiêu cực tới đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu đã tăng lên trong những tháng gần đây khi ngày càng nhiều quốc gia đang nới lỏng các hạn chế được áp đặt để ngăn chặn sự bùng phát của virus.
Trước đó, những biện pháp phong tỏa đã làm đình trệ các hoạt động kinh tế và khiến các nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Deyi Tan, Giám đốc điều hành tại Morgan Stanley cho rằng, làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể sẽ dễ kiểm soát hơn vì các nhà hoạch định chính sách đã học cách xử lý các tình huống như vậy trước đó.
“Một sự sụt giảm trở lại sau giai đoạn phục hồi không nằm trong trường hợp cơ bản của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng thừa nhận rằng, khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, các trường hợp nhiễm mới sẽ tăng lên hàng ngày”, bà Deyi Tan cho biết.
Bà lưu ý rằng, một số nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế kể từ cuối tháng Tư. Theo đó, các trường hợp nhiễm mới cũng gia tăng theo từng ngày.
“Nhưng nếu nhìn trong một hệ thống lớn hơn, xu hướng này vẫn còn có thể nằm trong tầm kiểm soát được so với những gì chúng tôi đã thấy trước đây. Vì vậy, tại thời điểm này, chúng tôi không mong đợi một làn sóng thứ hai thực sự khiến nền kinh tế toàn cầu hay các nền kinh tế châu Á trải qua một đợt sụt giảm lần nữa”, bà nói thêm.
Trung Quốc dẫn dắt đà hồi phục trên toàn cầu
Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc trong tuần trước đã báo cáo số ca nhiễm gia tăng mạnh sau hơn 55 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong khi đó, Seoul, thủ đô của Hàn Quốc cũng báo báo các đợt bùng phát gần đây. Đây cũng là 2 quốc gia từng có đợt bùng phát đại dịch tồi tệ nhất trên toàn cầu trước khi virus lan rộng hơn trên toàn thế giới.
Bất chấp sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm mới, các quốc gia châu Á (ngoại trừ Nhật Bản), được dự báo sẽ hồi phục nhanh hơn các khu vực khác với sự dẫn đầu của Trung Quốc, theo báo cáo của Morgan Stanley.
“Điều này cho thấy mức độ thể chế hiệu quả hơn tại các nền kinh tế như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Hong Kong, những nơi Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, và trong một số trường hợp không cần phải sử dụng các biện pháp phong tỏa", theo báo cáo được công bố.
Theo báo cáo của Morgan Stanley, châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 0,1% vào năm 2020 trước khi tăng trưởng 8,5% trong năm 2021.