Theo đó, mức tín nhiệm của Saudi Arabia bị hạ một bậc từ Aa3 xuống A1.
Trong báo cáo của mình, Moody’s nêu rõ quyết định trên được đưa ra phản ánh việc giá dầu giảm đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế của Saudi Arabia trong bối cảnh nước này là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Cũng theo Moody’s, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khi tỷ lệ nợ ngày càng cao đã làm giảm khả năng chống đỡ của Saudi Arabia trước các “cú sốc” từ bên ngoài trong tương lai là nguyên nhân chính khiến hãng đưa ra quyết định trên.
Ngoài ra, Moody’s cũng hạ độ tín nhiệm của Bahrain, từ mức Ba1 xuống Ba2, và của Oman, từ mức A3 xuống Baa1.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm của Mỹ này tuy không "đả động" tới Kuwait, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhưng đã ghi dấu triển vọng tiêu cực cho các nước này.
Giá dầu thế giới tính đến thời điểm này đã giảm hơn 60% so với mức “đỉnh” 100 USD/thùng ghi nhận hồi giữa năm 2014.
Hiện giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Sáu được giao dịch quanh mức 46 USD/thùng trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Bảy trụ quanh mức 48 USD/thùng.
Giá dầu trượt dốc đã làm sụt giảm mạnh nguồn thu của các nước sản xuất dầu thế giới, vốn phụ thuộc rất lớn vào “vàng đen.”
Hiện thị trường đang dõi theo cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến diễn ra vào ngày 2/6 tới.
Mọi sự chú ý sẽ dồn vào nhân vật chủ chốt là Saudi Arabia để tìm kiếm các tín hiệu phản ánh những thay đổi trong chính sách dầu mỏ của nước này, sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al-Naimi kết thúc hai thập kỷ tại nhiệm.