Moody’s: TPP đặc biệt có tác động tích cực tới xếp hạng tín nhiệm của các quốc gia châu Á
Việc hiệp định thương mại TPP hoàn tất đàm phán gần đây có tác động tích cực tới xếp hạng tín nhiệm của tất cả 12 quốc gia thành viên, tuy nhiên, hưởng lợi nhiều nhất vẫn là các quốc gia châu Á.
TPP sẽ giảm bớt các chi phí trong giao dịch thương mại, mở rộng cơ hội đầu tư với các nhà đầu tư mới, hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế. Mặc dù các chi tiết đầy đủ của TPP chưa được công bố, tuy nhiên việc hàng hóa từ các quốc gia châu Á dễ dàng tiếp cận hơn vào thị trường Mỹ, Nhật Bản sẽ giúp các quốc gia này được hưởng lợi rất lớn, thể hiện qua tăng trưởng GDP.
Hàng may mặc và da giầy của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc thuế nhập khẩu cũng như những yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ và Nhật Bản giảm bớt. Tương tự, dầu cọ, cao su và các sản phẩm điện của Malysia cũng sẽ nhận được những giá trị tích cực từ TPP.
Một tác động tích cực khác của hiệp định thương mại này là nó thúc đẩy quá trình cải cách tại một số quốc gia thành viên, ví dụ như Việt Nam và Nhật Bản.
Fitch: TPP là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn
Việt Nam có thể nhận được những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu, khi TPP hoàn tất đàm phán, sắp sửa đi vào thực tế.
Trong số 12 quốc gia thành viên TPP, Việt Nam được xem là thành viên hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.
Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 10% trong vòng 10 năm tới dưới tác động của TPP, theo ước tính từ một nghiên cứu của các chuyên gia Petri, Plummer và Zhai. Fitch tin tưởng rằng hiệp định này sẽ có ảnh hưởng lớn tới 2 lĩnh vực quan trọng của Việt Nam: thương mại và chính sách kinh tế nội địa.
TPP giúp xóa bỏ, hạ thấp bớt hàng rào thuế quan, giúp Việt Nam có cơ hội lớn để thâm nhập vào thị trường nội địa Mỹ, Nhật Bản, Canada và Australia. 39% lượng xuất khẩu và 23% nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2014 là với với các nước trong TPP.
Các ảnh hưởng tích cực từ TPP có thể tiếp tục phát triển hơn nữa, khi nghiên cứu kể trên ước tính TPP có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng hơn 37% trong hơn 10 năm nữa.
Đáng chú ý, trong tháng 8/2015, Việt Nam cũng đã hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu, giúp quốc gia này thiết lập mối quan hệ thương mại thuận tiện tới 3 trong số 4 khu vực xuất khẩu chủ chốt: châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
TPP không chỉ giúp hạ thấp hàng rào thuế quan, nó còn giúp thay đổi các quy tắc về sở hữu trí tuệ, các chính sách cạnh tranh trong kinh doanh, bao gồm cả mối quan hệ với các công ty nhà nước, cách thức giải quyết xung đột giữa các quốc gia và tiêu chuẩn lao động. Bởi vậy, TPP cũng có tác động mạnh tới các chính sách quan trọng đối với quá trình tái cấu trúc và mở cửa nền kinh tế, qua đó thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt nam.
Việt Nam vốn đã được hưởng lợi từ GDP tăng trưởng cao và dòng vốn FDI chảy vào ổn định. GDP Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 6,5% trong 3 quý đầu năm 2015. Kinh tế vĩ mô tăng trưởng mạnh và ổn định là lý do chủ yếu giúp Việt Nam được Fitch nâng hạng lên BB trong tháng 11/2014.
Việc nâng hạng của Việt Nam trong tương lai bị thách thức bởi thâm hụt ngân sách đang mở rộng và nợ công lớn. Fitch ước tính thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ tăng từ 6,1% GDP trong năm 2014 lên 6,9% GDP trong năm 2015. Nợ công cũng sẽ tăng trưởng lên mức 45% GDP, tuy nhiên vẫn nằm trong mức xếp hạng tiêu chuẩn BB của Fitch.
Tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2015 đến nay đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu. Fitch ước tính điều này sẽ kéo thặng dư tài khoản vãng lai xuống dưới 15 trong năm 2015 so với 5% năm 2014.