Các nhà băng được cân nhắc nâng tín nhiệm dài hạn gồm Ngân hàng An Bình (ABB), Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), và Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Đánh giá tín nhiệm cơ sở (BCA) và Đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CRA) của 7 nhà băng này, cùng 2 cái tên khác là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng sẽ được xem xét nâng lên. Moody’s cho biết việc đánh giá các ngân hàng sẽ hoàn tất trong 90 ngày tới.
Động thái này phản ánh kỳ vọng của Moody's rằng môi trường kinh doanh và tình hình kinh tế ổn định tại Việt Nam sẽ giúp tín nhiệm các ngân hàng cải thiện. Việc này cũng có thể tác động tích cực lên chất lượng tài sản và các chỉ số lợi nhuận khác, đồng thời củng cố sự ổn định về nguồn vốn và thanh khoản.
Môi trường kinh doanh cho ngân hàng tốt lên cũng được phản ánh qua việc Moody's điều chỉnh Hồ sơ Vĩ mô của Việt Nam từ "Yếu -" lên "Yếu". Đây là tiêu chí đánh giá các rủi ro liên quan đến môi trường hoạt động của ngân hàng.
Dù vậy, Mood's vẫn cho biết hệ thống ngân hàng Việt Nam còn chưa tích lũy đủ số vốn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh như hiện nay. Và các tài sản có vấn đề không phải lúc nào cũng được công khai trong báo cáo tài chính. Moody's dự báo những thách thức này còn kéo dài trong trung hạn, dù phần nào sẽ được cải thiện.
Tuần trước, hãng cũng công bố bản phân tích tín dụng hằng năm đối với Việt Nam. Theo đó, tín nhiệm Việt Nam hiện ở bậc B1 với triển vọng ổn định. Moody's đánh giá Việt Nam tăng trưởng mạnh và có nền kinh tế đa dạng. GDP thực sẽ vẫn tăng quanh 6% trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn cao, thâm hụt tài khóa lớn và gánh nặng nợ Chính phủ đang tăng. Bên cạnh đó, Moody's cho rằng dù môi trường hoạt động của ngành ngân hàng đã bình ổn, mức vốn vẫn thấp và chất lượng tài sản còn yếu.