Với quy định mới, tỷ lệ các DN “thất bại” trong lần tổ chức đầu tiên đã giảm đáng kể.
Ngoài việc tỷ lệ cổ đông tham dự giảm đã tăng xác suất thành công cho cuộc họp thì một phần nguyên nhân là nhờ nỗ lực của các DN trong việc kêu gọi các nhà đầu tư gửi ủy quyền. ĐTCK đã từng phản ánh trường hợp CTCP Viglacera Từ Sơn (VTS) đã 4 năm liên tiếp ĐHCĐ bất thành ở lần thứ nhất.
Năm nay, Viglacera Từ Sơn đã tổ chức ĐHCĐ thành công ngay lần đầu tiên với tỷ lệ cổ đông tham dự đạt 58%, sau những nỗ lực sát sao trong việc kêu gọi cổ đông tham dự, trong trường hợp không tham dự được phải ủy quyền, thậm chí Công ty đã gọi điện, yêu cầu cổ đông gửi fax xác nhận ủy quyền…
Năm ngoái, CTCP Thép Tiến Lên (TLH) đã phải hủy ĐCHĐ lần thứ nhất chỉ vì số cổ đông tham dự đạt 61,14% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, khi quy định phải là 65%. Dự kiến trong tháng 4 này, CTCP Thép Tiến Lên sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016 và theo đại diện TLH, với việc áp dụng tỷ lệ 51% cho lần đầu tiên, xác suất thành công cao hơn nhiều, giúp cho các DN đỡ tốn kém nếu phải tổ chức nhiều lần.
Tại ĐHCĐ năm nay, TLH sẽ xin thông qua kế hoạch 4.000 tỷ đồng doanh thu và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2016. Chưa kể, TLH lên kế hoạch thành lập chi nhánh tại Campuchia với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD, tương đương 66 tỷ đồng, và trình phương án thành lập Trung tâm thương mại và kinh doanh vật liệu xây dựng với 17 hạng mục, với tổng giá trị khoảng 120 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, việc Luật Doanh nghiệp đã hạ thấp các tỷ lệ tối thiểu cần thiết để tổ chức một cuộc họp ĐHCĐ, cũng như hạ tỷ lệ thông qua nghị quyết của ĐHCĐ, đã giúp DN dễ dàng hơn trong việc tổ chức Đại hội.
Tất nhiên, việc DN tổ chức bất thành ĐHCĐ lần thứ nhất vẫn lác đác xảy ra. Ngày 9/4 vừa qua, ĐHCĐ thường niên lần thứ nhất của CTCP Đầu tư F.I.T bất thành do số cổ đông tham dự tại ĐHCĐ lần đầu là 46,99%, do đại diện các quỹ đầu tư nước ngoài không tham dự vì trùng lịch họp.
Cuộc họp ĐHCĐ năm 2016 lần thứ hai của FIT dự kiến sẽ tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần thứ nhất… Dù vậy, số DN công bố ĐHCĐ thất bại chỉ mới đếm trên đầu ngón tay, không nhiều như những năm trước.
Nhìn lại mùa ĐHCĐ năm ngoái, có thể thấy, nhiều đại hội bị hoãn đi hoãn lại, rồi phải tổ chức nhiều lần. Những trường hợp điển hình như CTCP Xây dựng sông Hồng (ICG), CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí - IDICO (PXL), CTCP Khí hóa lỏng miền Bắc (PVG)... cũng phải tổ chức ĐHCĐ lần thứ ba mới thành công do số lượng cổ đông tham dự khá ít, chỉ trên dưới 30%.
Giảm tỷ lệ từ 65% xuống còn 51% phần nào đã giảm bớt áp lực cho các DN, tuy nhiên, để ĐHCĐ có tỷ lệ thành công cao hơn, DN vẫn mong muốn các cổ đông nếu không tham dự được nên có ủy quyền cho người khác, hoặc ủy quyền cho Ban lãnh đạo DN tham dự và biểu quyết tại ĐHCĐ để đảm bảo tỷ lệ theo đúng quy định.