Mong manh số phận CTCK Cao su

Mong manh số phận CTCK Cao su

(ĐTCK) Chủ tịch HĐQT bị bắt tạm giam, sự tồn tại của CTCK Cao su (Rubse) đang được kỳ vọng vào một ông chủ mới, dù chưa tìm được!

> Chủ tịch HĐQT CTCK Cao su bị bắt

CTCK Cao su (RUBSE) đi về đâu khi ông Phan Minh Anh Ngọc, Chủ tịch HĐQT RUBSE vừa bị cơ quan điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra các nghi vấn về sai phạm tài chính? Câu trả lời phần nào hé lộ qua trao đổi giữa ĐTCK với ông Huỳnh Hồng Vĩnh, quyền Tổng giám đốc RUBSE.

Ông Phan Minh Anh Ngọc, Chủ tịch HĐQT RUBSE, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Cao su Việt Nam , đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam , vừa bị cơ quan điều tra bắt tạm giam. Việc này ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của RUBSE, thưa ông?

Hiện hoạt động của RUBSE diễn ra khá bình thường, chưa có biến động gì lớn sau khi ông Ngọc bị cơ quan điều tra bắt tạm giam. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc này tác động đáng kể đến tâm lý của CBCNV làm việc tại RUBSE. Chúng tôi đang cố gắng bình tĩnh để đảm bảo duy trì RUBSE vận hành bình thường.

 

Được biết, hiện phần vốn nhà nước tại RUBSE là 51%. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã giao cho Công ty Tài chính TNHH một thành viên Cao su Việt Nam làm đại diện phần vốn này tại RUBSE. Vậy những dấu hiệu vi phạm về tài chính của ông Ngọc liệu có liên quan đến khả năng thất thoát vốn của RUBSE, nhất là phần vốn nhà nước?

Theo thông tin sơ bộ mà chúng tôi có được, thì những dấu hiệu vi phạm của ông Ngọc liên quan đến Công ty Tài chính TNHH một thành viên Cao su Việt Nam. Bởi vậy, việc ông Ngọc bị bắt tạm giam để điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm về tài chính không liên quan gì đến tình hình tài chính tại RUBSE.

 

Có nhân sự nào tại RUBSE liên quan đến những dấu hiệu vi phạm của ông Ngọc, thưa ông?

Vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Trong quá trình điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm của ông Ngọc, cơ quan điều tra sẽ kết luận những ai có trách nhiệm liên đới, tính chất và mức độ liên quan đến đâu.

 

Theo ông, việc ông Ngọc bị bắt tạm giam có ảnh hưởng đến tiến độ thoái 51% vốn Nhà nước tại RUBSE?

Việc thoái vốn nhà nước tại RUBSE đang được triển khai theo chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Chúng tôi đang tìm kiếm, thương thảo với các đối tác để chuyển nhượng toàn bộ 51% vốn nhà nước tại RUBSE. 49% vốn còn lại đang do các thể nhân sở hữu, nên việc chuyển nhượng hay tiếp tục nắm giữ là quyền của nhà đầu tư.

Nhiều người cho rằng, muốn thoái được 51% vốn nhà nước tại RUBSE, Công ty Tài chính TNHH một thành viên Cao su Việt Nam chỉ còn nước “bán rẻ như cho”, vì hết năm 2011, ước RUBSE lỗ lũy kế lên tới hơn 33 tỷ đồng trên 40 tỷ đồng vốn điều lệ? Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đến thời điểm này, chúng tôi đã tiếp xúc, thương thảo ban đầu với một số đối tác trong nước. Họ đã thể hiện mong muốn mua lại phần vốn này. Tuy nhiên, những thỏa thuận về mức giá chuyển nhượng chưa được các bên cơ bản đi đến thống nhất, nên tôi chưa thể công bố thông tin chi tiết.

 

Theo báo cáo soát xét tỷ lệ an toàn tài chính tại thời điểm 30/6/2012 của RUBSE, thì tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của RUBSE là -18%. Trong khi đó, RUBSE đã bị UBCK đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ 23/4/2012. Theo Thông tư 226/2010/TT-BTC, tháng 10 tới, nếu RUBSE không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt, sẽ có nguy cơ bị đình chỉ hoạt động. Điều này ảnh hưởng ra sao đến việc thoái vốn nhà nước tại RUBSE?

Đúng là nếu hết thời hạn kiểm soát đặc biệt mà RUBSE không khắc phục được, thì Công ty sẽ đứng trước nguy cơ bị đình chỉ hoạt động. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến việc thoái vốn nhà nước tại RUBSE. Bởi vậy, trong khoảng thời gian còn lại hơn 2 tháng, từ nay đến hết thời hạn bị kiểm soát đặc biệt, chúng sẽ tôi nỗ lực hoàn tất việc thoái vốn.