Khối ngoại bi quan, khối nội dè dặt
Chuỗi giao dịch ảm đạm của thị trường dường như sẽ tiếp diễn, bất chấp những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế. Số liệu được công bố bởi Tổng cục Thống kê ngày 29/9 cho thấy, GDP tăng trưởng ấn tượng 6,81% trong quý III/2015. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 6,5%, vượt trội so với mức tăng 5,53% của cùng kỳ năm trước.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực chính của nền kinh tế 9 tháng đầu năm nay, với mức tăng 9,57% so với mức tăng 6,42% của cùng kỳ năm 2014, nhờ các điều kiện sản xuất - kinh doanh thuận lợi như giá các loại hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới và lãi suất cho vay trong nước đều ở mức thấp. Đồng thời, nguồn vốn FDI tăng mạnh 53,4% cũng là một yếu tố kích thích tăng trưởng sản xuất, góp phần đáng kể vào sự tăng tốc của nền kinh tế.
Mặc dù mức tăng trưởng GDP nêu trên vượt xa dự đoán của giới phân tích, nhưng cũng không đủ để lấy lại sự hưng phấn cho nhà đầu tư chứng khoán trong nước khi bối cảnh thị trường thế giới vẫn đang ẩn chứa nhiều rủi ro bắt nguồn từ những bất ổn của kinh tế Trung Quốc và sự mơ hồ trong quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đáng lo ngại hơn, theo một thống kê của Bloomberg, hai yếu tố này đã khiến hơn 40 tỷ USD vốn đầu tư bị rút khỏi các thị trường mới nổi trong quý III vừa qua. Đây là quý có dòng vốn tháo chạy mạnh nhất kể từ đỉnh điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tại Việt Nam, chỉ riêng trong tháng 9, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.035 tỷ đồng trên TTCK và là tháng bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2015.
Khối ngoại bi quan trong khi khối nội cũng dè dặt khiến chỉ số VN-Index “mắc kẹt” trong kênh đi ngang 560 - 575 điểm trong gần một tháng qua. Cả bên mua lẫn bên bán, không bên nào đủ sức mạnh để phá vỡ xu hướng này.
Các phiên giao dịch diễn ra ảm đạm, không có nhiều biến động và mức thanh khoản thấp đã bào mòn cơ hội tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư, có chăng chỉ xoay quanh một vài cổ phiếu nhỏ lẻ trên thị trường. Thiếu vắng dòng tiền, xu hướng ngắn hạn của VN-Index ngày càng trở nên khó đoán định.
Điều này có thể khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư lựa chọn phương án đứng ngoài thị trường để quan sát, chờ đợi những tín hiệu đầu tư rõ ràng.
Mong manh “phòng tuyến” 560 điểm
Trong tháng 9, VN-Index đã có hai lần tiến tới mức kháng cự quan trọng 575 điểm của đường trung bình động MA200 ngày, nhưng dòng tiền của thị trường đều không đủ mạnh để tạo ra sự bứt phá. Kết quả, chỉ số đã điều chỉnh giảm sau đó và tạo ra những tín hiệu tiêu cực trên đồ thị kỹ thuật.
Lần lượt các đường hỗ trợ ngắn hạn như MA5, MA10 hay MA20 bị phá vỡ cùng với sự suy yếu của dòng tiền thể hiện trên các chỉ số động lượng như RSI hay MFI. “Phòng tuyến” cuối cùng của VN-Index là vùng 560 điểm, cận dưới của kênh tích lũy song song 560 - 575 điểm của chỉ số kéo dài trong suốt 3 tuần qua.
Trong những phiên tăng điểm gần đây của thị trường, chúng tôi quan sát thấy xung lực mua khá yếu, thể hiện ở những mức tăng nhẹ và khối lượng giao dịch có xu hướng giảm.
Do đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 560 điểm. Trong kịch bản xấu, lực cầu không đủ sức giúp VN-Index duy trì ngưỡng hỗ trợ, chỉ số sàn HOSE có thể quay trở lại xu hướng giảm để kiểm tra ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật thấp hơn.