Trong năm 2021, VinFast đã xây dựng và lắp đặt hơn 40.000 nghìn cổng sạc trên khắp cả nước.
Lập bản đồ trạm sạc
Tại Hội thảo Phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh được tổ chức mới đây, câu chuyện phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, bởi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để “phủ sóng” xe điện.
Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, với những nước đã phát triển các dòng xe điện hóa, trạm sạc là điều kiện tiên quyết và được bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý cho khách hàng.
Còn tại Việt Nam, hầu hết các gia đình không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà. Bên cạnh đó, tiêu thụ điện để sạc xe điện đòi hỏi nguồn cung cấp điện của Việt Nam phải tăng lên rất nhiều.
Là khu vực kinh tế năng động, TP.HCM đặc biệt quan tâm vấn đề đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng lộ trình chuyển đổi sử dụng xe điện, nhằm đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM cho hay, Sở đã có trao đổi với phía điện lực về khả năng đáp ứng nguồn cung và được biết, ngành điện đã có tính toán cho vấn đề này. Tuy nhiên, liên quan đến xe điện còn là câu chuyện về bãi đỗ xe trong đô thị mới, hầm chung cư, tòa nhà văn phòng. Vì vậy, theo ông An, cần phải có hành lang pháp lý cho xe điện; các địa phương từ cấp quận huyện trở lên khi xây dựng quy hoạch phải đưa vấn đề hạ tầng xe điện vào.
Cũng theo ông An, đất để làm trạm sạc cũng là một vấn đề. “Sử dụng đất trạm sạc giống như cây xăng vậy. Nếu là đất tư nhân, thì không bàn, nhưng nếu là đất công, thì yếu tố pháp lý rất khác”, ông An lưu ý.
Đề cập vấn đề này, TS. Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, để thực hiện Quyết định số 876/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT, các sở GTVT địa phương nên lưu ý đưa quy hoạch hạ tầng trạm sạc vào, để nó trở thành “tấm bản đồ” về mạng lưới hạ tầng xe điện cho địa phương trong dài hạn.
Quy chuẩn nào cho trạm sạc
Phát triển hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam đang đối mặt với thách thức là chưa có quy chuẩn về xây dựng trạm sạc.
Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển trạm sạc VinFast cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc, nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống thiết bị bảo vệ trạm sạc, nên trong quá trình xây dựng, đơn vị phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai, VinFast cũng gặp phải nhiều khó khăn như pháp lý, hoặc mỗi địa phương lại có hướng dẫn lắp đặt khác nhau với trạm sạc; nguồn điện, cung cấp điện không đồng đều…
Theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT), trách nhiệm ban hành quy định quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc thuộc về Bộ Công thương.
“Theo luật quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khi chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, thì tuỳ theo công nghệ, bí quyết, quy định riêng của từng hãng, các doanh nghiệp sẽ tìm những tiêu chuẩn trên thế giới để áp dụng. Toàn bộ yêu cầu về điện, đấu nối, vận tải điện, an toàn điện đã có tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để vận hành an toàn”, ông Hà nói.
Ngoài ra, theo GS-TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam chưa có quy hoạch lưới điện phục vụ phương tiện dùng điện. Nếu có quy hoạch lưới điện riêng, hệ thống trạm sạc sẽ tốt hơn, an toàn hơn.