Mối quan hệ tương hỗ
Theo số liệu phân tích của các công ty nghiên cứu thị trường, hình ảnh, thương hiệu của một doanh nghiệp khi xuất hiện trên mặt báo đều mang lại giá trị nhất định cho doanh nghiệp đó. Giá trị này có thể không đo đếm được ngay bằng doanh số bán hàng, nhưng góp phần tạo được niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong một bài báo, thương hiệu doanh nghiệp có thể xuất hiện ở tiêu đề, nội dung, ảnh minh họa… và chiều hướng tác động, mức độ tác động tới doanh nghiệp phụ thuộc vào nội dung, văn phong, tác giả của bài báo, cũng như tên ấn phẩm báo chí.
Chính vì vậy, cho dù thương hiệu doanh nghiệp được nhắc đến một cách trực tiếp hay gián tiếp, nhưng theo hướng tích cực thì doanh nghiệp sẽ được lợi. Ngược lại, nếu thương hiệu doanh nghiệp được phản ánh theo hướng tiêu cực, thì hệ quả đối với doanh nghiệp là không nhỏ.
Đặc biệt, trong bối cảnh các kênh truyền thông online, mạng xã hội phát triển mạnh, thông tin tiêu cực sẽ nhanh chóng lan truyền, không chỉ ảnh hưởng đến một doanh nghiệp, mà có thể làm cho xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với cả một ngành nghề.
Trong lĩnh vực tài chính nói chung và bảo hiểm nói riêng, người tiêu dùng không có cơ hội “sờ nắm” trực tiếp sản phẩm, mà đa số chỉ dựa vào niềm tin thương hiệu, nên vai trò của truyền thông là rất quan trọng. Do đó, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp nên là mối quan hệ tương hỗ, doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, báo chí chủ động đề nghị, tìm hiểu thông tin từ doanh nghiệp đề truyền thông ra công chúng một cách trung thực, khách quan, nhiều góc độ.
Việc trao đổi thông tin hai chiều, chủ động trên cơ sở khách quan, trung thực, có kiểm tra, đối chiếu giữa báo chí và doanh nghiệp sẽ giúp độc giả có được những thông tin giá trị. Qua đó, vai trò của báo chí được phát huy, doanh nghiệp xây dựng được uy tín, hình ảnh, hạn chế được các tác động bất lợi…
Không thể thiếu truyền thông
Theo đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm, Báo Đầu tư Chứng khoán là một trong những tờ báo hiếm hoi có các thông tin hữu ích và các bài viết chuyên sâu, đa chiều về ngành bảo hiểm, giúp doanh nghiệp bảo hiểm có thêm góc nhìn đầy đủ về ngành, toàn cảnh thị trường, hay những nhu cầu thực tế, những góp ý của khách hàng.
Các doanh nghiệp mong muốn có thêm nhiều tờ báo kinh tế có trang viết chuyên sâu về bảo hiểm để thúc đẩy ngành bảo hiểm phát triển tương xứng với tiềm năng và quan trọng hơn cả là góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm trong đời sống kinh tế.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã phát triển được hơn 20 năm, tuy nhiên khái niệm về bảo hiểm nhân thọ đối với phần lớn người dân vẫn còn chưa được hiểu đầy đủ. Thậm chí, trong lĩnh vực truyền thông - cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp và người dân, ngay cả các phóng viên kinh tế, phóng viên theo dõi ngành thì cũng chỉ có một bộ phận hiểu rõ về bảo hiểm.
Ngoài ra, điều các doanh nghiệp bảo hiểm quan ngại hơn cả là trong những vụ việc tranh chấp (giữa khách hàng và công ty), có phóng viên chưa tìm hiểu kỹ thông tin từ nhiều phía nên đã đưa tin thiếu chính xác, gây tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp.
Để phát triển thị trường bảo hiểm còn rất nhỏ bé của Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng đang nỗ lực đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất phục vụ khách hàng, với mong muốn đưa bảo hiểm tới mọi người dân và mỗi người dân Việt Nam đều được bảo vệ bởi bảo hiểm.
“Truyền thông chính là cầu nối quan trọng và không thể thiếu trong việc thúc đẩy các kế hoạch này của ngành bảo hiểm. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn cầu thị và sẵn sàng cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm tạo ra tiếng nói đa chiều giúp thị trường ngày càng phát triển”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói.