Chủ đầu tư chây ỳ
Phí bảo trì chung cư được tính bằng 2% giá trị căn hộ trước thuế theo hợp đồng và người mua nhà thường phải nộp khoản này trước khi nhận bàn giao. Về nguyên tắc, sau khi các tòa nhà bầu được ban quản trị, chủ đầu tư sẽ phải bàn giao lại khoản này để cư dân tự quản lý.
Tuy nhiên, vừa qua tại nhiều chung cư, thường xảy ra tình trạng tranh chấp kéo dài vì chủ đầu tư không chịu bàn giao phí bảo trì. Mặc dù sau đó có sự can thiệp của chính quyền địa phương nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm.
Tại chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TP.HCM), nhiều năm nay, các cư dân và Ban quản trị liên tục gửi đơn cầu cứu khắp nơi, đề nghị chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì nhằm thay thế những hạng mục bị xuống cấp.
Hiện 173 hộ dân tại đây đã biểu quyết 100% đề nghị UBND TP.HCM chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khởi tố hình sự chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia, nếu không bàn giao 2% phí bảo trì cho BQT chung cư.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương cho biết: “Đến nay, Ban quản trị chung cư đã 8 lần gửi đơn đề nghị đến UBND TP.HCM và phía chủ đầu tư yêu cầu được giải quyết, bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết”.
Tương tự, tại chung cư Thanh Đa View (số 7 Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM), cách đây hơn 1 tháng, các cư dân đứng ngồi không yên vì công ty quản lý chung cư chấm dứt hợp đồng, kết thúc công tác quản lý, vận hành tại chung cư. Theo các cư dân, nguyên nhân do BQT không thanh toán khoản nợ phí quản lý gần 600 triệu đồng.
Điều đáng nói, toàn bộ cư dân đều đóng đủ khoản phí này, việc nợ phí được BQT phản ánh lại là do Công ty Cổ phần Thanh Yến, chủ đầu tư chung cư này chỉ mới đóng 70% phí bảo trì chung cư. Ngoài ra, Công ty Thanh Yến không bàn giao các phòng kỹ thuật thuộc sở hữu chung cho đơn vị quản lý vận hành, ảnh hưởng đến công tác PCCC.
Cư dân lãnh đủ
Không chỉ riêng chung cư Khang Gia Tân Hương và chung cư Thanh Đa View, hiện trên địa bàn TP.HCM đang xảy ra rất nhiều vụ chây ỳ quỹ bảo trì.
“Chung cư này mới sử dụng chưa đầy 4 năm nhưng đã xuất hiện nhiều hỏng hóc, chất lượng công trình kém, thang máy hỏng, hệ thống thoát nước và PCCC không đảm bảo an toàn do chủ đầu tư tự ý thay đổi kết cấu công trình, những căn hộ xây trái phép ở tầng 1, tầng lửng và tầng 2 không được trang bị PCCC. Nếu hỏa hoạn xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Ban quản trị Chung cư Khang Gia Tân Hương bức xúc.
Điều đáng nói, UBND TP.HCM cũng đã có Quyết định xử phạt Công ty Khang Gia số tiền 125 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi “không bàn giao, bàn giao chậm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định”. Thế nhưng, việc bàn giao quỹ bao trì đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay để quan lý tốt các vấn đề của chung cư, hội nghị nhà chung cư có trách nhiệm xử lý. Mọi chi tiêu của ban quản trị phải thông qua hội nghị nhà chung cư.
Nhận định về câu chuyện phức tạp trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tại TP.HCM hiện có khoảng 1.000 chung cư thì hơn 100 chung cư có phát sinh tranh chấp. Có 34 chung cư có tranh chấp đến mức Sở Xây dựng phải thụ lý giải quyết.
Do vậy, việc hoàn thiện Quy chế quản lý chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng là hết sức cần thiết để góp phần giải quyết tranh chấp tại chung cư.
“Hầu hết các chung cư tại TP.HCM đều có những tranh chấp từ bé đến lớn. Điều này vẫn chưa thể kiểm soát được một cách triệt để. Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là khoản phí bảo trì 2%. Do đó, các chủ đầu tư cần phải rõ ràng, thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng”, ông Châu nói và cho rằng, việc chủ đầu tư không chịu bàn giao 2% quỹ bảo trì chung cư, dẫn đến những hạng mục quan trọng như hệ thống PCCC, thang máy... không được bảo dưỡng đúng kỳ hạn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của các cư dân.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com