Ngành điện năng Việt Nam được ghi nhận có nhiều cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh trong những năm gần đây

Ngành điện năng Việt Nam được ghi nhận có nhiều cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh trong những năm gần đây

Môi trường kinh doanh và chuyện EVN từng "sốc" khi nhận kết quả xếp hạng

0:00 / 0:00
0:00
Môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu vào 2030, theo xếp hạng của WB. Mục tiêu đầy khát vọng, nhưng là cách để xác định rõ cách thức, con đường phải đi.

Cú sốc của EVN

Trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2013 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam xếp thứ 156 trong số 189 quốc gia, nền kinh tế được xếp hạng.

“Chúng tôi đã sốc khi nghe tin này”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đã không giấu cảm xúc.

Được giao làm rõ lý do, ông Dũng đã lục tung các quy định, quy trình, mọi thủ tục không quá phức tạp, điện cấp tốt và báo cáo lãnh đạo Tập đoàn là không hiểu vì sao bị xếp hạng thấp như vậy. Thậm chí, khi đó, EVN đã liên hệ với WB để nói rằng, ngành điện Việt Nam không thể như đánh giá.

“Sau khi làm việc, chúng tôi chấp nhận kết quả, vì họ đánh giá cả thế giới theo cùng cách; nếu muốn ở trong sân chơi, thì phải tuân thủ luật chơi chung”, ông Dũng kể.

Nhận thức trên đã mở ra hành trình cải thiện từng chỉ số thành phần của EVN, từ chỉ số về thời gian, chi phí, độ tin cậy đến sự minh bạch. Năm 2019, Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam đạt bước thăng hạng ngoạn mục, xếp thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế được xếp hạng. Như vậy, riêng chỉ số này, mục tiêu vào nhóm ASEAN-4 tốt nhất trong môi trường kinh doanh đã về đích sớm 2 năm.

Nhưng tổng thể, môi trường kinh doanh Việt Nam đang đứng thứ 70/190, xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN, sau Singapore (2/190), Malaysia (12/190), Thái Lan (21/190) và Brunei (6/190). Như vậy, mục tiêu đạt thứ hạng trong 30 quốc gia hàng đầu về môi trường kinh doanh của Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2012 - 2030 trình Đại hội Đảng lần thứ XIII là vô cùng thách thức.

Nhưng TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chuyên gia hơn 30 năm trong lĩnh vực cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam gọi đây là khát vọng.

“Có khát vọng, biết mình đang ở đâu, sẽ đi đến đâu, chúng ta sẽ có cách để cùng làm. Tôi đã rút ra bài học này khi Chính phủ quyết định sử dụng xếp hạng toàn cầu, thông lệ quốc tế tốt để tạo sức ép cho việc thực hiện”, ông Cung nói.

Thực ra, quyết định này không đơn giản. Trước khi Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh được ban hành, chính thức chọn bộ chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của WB làm cơ sở để tiếp cận, cải thiện, năm 2011, CIEM từng được giao nhiệm vụ xây dựng bộ chỉ số riêng của Việt Nam, để tự đánh giá về các cải cách cả mình.

“Chúng tôi mất 3 năm loay hoay tìm tòi, nhưng rồi thật may là không hoàn thành nhiệm vụ. Quan trọng hơn, các nhà lãnh đạo đã nhìn thấy thực tế là chúng ta không thể đứng riêng ra ngoài thế giới, tự so sánh với chính mình”, ông Cung kể lại Việc chọn Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB có lý do chính đáng. Bản chất của các đánh giá này dựa trên yêu cầu tạo thuận lợi, dễ dàng nhất có thể cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hơn thế, các mục tiêu, chỉ số phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta.

Kết quả là các yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục quản lý chuyên ngành được đặt ra liên tục, kéo dài đến nay là 8 năm, giải quyết trúng, đúng các vấn đề thực tiễn của môi trường kinh doanh Việt Nam. Khi đó, sự thăng hạng của môi trường kinh doanh đồng nghĩa với những tác động thực tiễn lớn, hữu ích với cộng đồng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cảm nhận rõ sự thay đổi, tham gia và tạo thêm sức ép cho sự thay đổi. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, cú sốc của EVN là thực tiễn cần nhân rộng.

“Càng có nhiều cơ quan bị sốc, cảm thấy xấu hổ với những thứ hạng thấp so với toàn cầu, thì môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi về bản chất, về đẳng cấp, chứ không đơn giản chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính”, ông Tuấn nói.

Cải thiện môi trường kinh doanh cho... doanh nghiệp nhà nước

Lâu nay, khi nói đến các khuyến nghị về cải thiện môi trường kinh doanh, tâm điểm nhắm đến thường là khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, khi phân tích những kết quả còn chậm trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2010, dường như tư duy về khu vực doanh nghiệp nhà nước đang cần một sự thay đổi căn bản.

“Khu vực này đang nắm giữ nguồn lực rất lớn, cả nguồn tài nguyên, vốn, nhân lực, nhưng thực sự chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế như đáng ra phải làm. Lỗi tại doanh nghiệp hay tại môi trường kinh doanh không thúc đẩy sự sống động của khu vực này?”, ông Cung đặt vấn đề.

Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, kết quả đạt được trong mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhắc nhiều đến việc thu gọn số lượng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Giai đoạn 2011 - 2019, cổ phần hóa được 679 doanh nghiệp nhà nước, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 303.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều mục tiêu chưa đạt được như yêu cầu. Đặc biệt, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với vị thế, nguồn lực đang nắm giữ...

Đương nhiên, nguyên nhân chính thuộc về doanh nghiệp, cả những người lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước cũng như đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) còn nhắc tới sự thiếu chủ động của doanh nghiệp trong thực hiện, triển khai các chính sách của Nhà nước. “Thực tiễn triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước không thực hiện đúng, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới xử lý. Người đứng đầu doanh nghiệp chưa quyết liệt trong đổi mới hoạt động doanh nghiệp, đảm bảo nguyên tắc thị trường...”, ông Tiến cho biết.

Nhưng hiện tại, giới chuyên gia kinh tế lại nhắc đến tâm tư “muốn được như các doanh nghiệp tư nhân” của những người đang ở vị trí lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Tầng nấc các quy trình, thủ tục phải tuân thủ của khu vực doanh nghiệp này khiến họ không thực sự được là... doanh nghiệp theo đúng nghĩa.

“Chúng ta đã nói, phải thúc đẩy và đảm bảo doanh nghiệp nhà nước hoạt động và cạnh tranh công bằng theo nguyên tắc thị trường, nhưng còn phải tạo môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp nhà nước vận hành được theo các nguyên tắc đó”, ông Cung nói.

Ông Cung đề xuất nội dung này để hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhưng đây cũng là đầu bài cho các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trước mắt, các quy định pháp luật có liên quan được đề xuất sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền tự chủ đầy đủ cho doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư, kinh doanh, trong đó, ít nhất giải được 4 bài toán tự chủ.

Một là, tự chủ tổ chức hoạt động đầu tư, kinh doanh trong phạm vi ngành nghề kinh doanh và sứ mệnh kinh doanh đã định.

Hai là, tự chủ đầu tư mua sắm tài sản, cơ cấu lại danh mục tài sản của doanh nghiệp theo hướng hợp lý và hiệu quả sử dụng cao nhất có thể.

Ba là, tự chủ tuyển dụng, sử dụng và trả lương, thu nhập khác cho người lao động, kể cả cán bộ quản lý tất cả các cấp.

Bốn là, tự chủ thực hiện các hình thức huy động vốn phù hợp cho đầu tư, kinh doanh...

Có thể thấy, tư duy về nhà nước - thị trường, về doanh nghiệp nhà nước, quản lý nhà nước với doanh nghiệp phải thay đổi căn bản. Như vậy, đột phá thể chế mà các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đang thảo luận sẽ được thực thi từ những động thái rất cụ thể.

Khi có thể hoạt động đúng theo nguyên tắc thị trường, doanh nghiệp nhà nước sẽ vào đúng vai trong sự hồi phục, tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân, nhờ vậy, có được môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch...

Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự năng động trở lại của khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn tới có thể đặt cao hơn, tham vọng hơn.

Tin bài liên quan