Tuy nhiên, để thực sự tận dụng “thời điểm để môi trường kinh tế Việt Nam ghi điểm”, như bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt kỳ vọng, chúng ta cần nhanh chóng vượt qua nhiều trở ngại cố hữu, như cơ chế xin - cho, sự cát cứ…
Người đứng đầu và áp lực dấu ấn
Thuật ngữ “64 nền kinh tế”, trong đó có 63 địa phương và 1 trung ương, đã không còn xa lạ khi tính nhiệm kỳ, cát cứ đang chi phối nhiều quyết sách kinh tế.
Dự án Luật Đầu tư công tiếp tục làm nóng diễn đàn Quốc hội. Thêm một lần, ngẫu hứng đầu tư và cơ chế xin - cho được nhắc lại.
Tình hình này đã được kìm cương bởi Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, nhưng vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng mà như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi bảo vệ Dự án Luật Đầu tư công tại một số hội thảo gọi là “địa phương quyết định cách tiêu tiền của Trung ương”.
Chỉ cách đây hơn một tháng, các vị lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu hẳn đã giật mình khi nghe người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi về việc liệu đồng bào có chấp nhận hay không khi nghe địa phương dồn tiền đầu tư các công trình phục vụ Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ nhất, vừa kết thúc ngày 29/4.
Lễ bế mạc đã diễn ra thành công với những đánh giá “có cánh”, song việc Bạc Liêu đề nghị Chính phủ hỗ trợ 155 tỷ đồng để hoàn thành nốt Nhà hát Cao Văn Lầu - công trình không kịp hoàn thành để phục vụ Festival đã để lại một dư âm hoàn toàn trái ngược.
Cho dù ngay sau đó, Bạc Liêu đã chia sẻ thông tin với báo chí để làm rõ, song vấn đề mà đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đặt ra trong buổi làm việc với tỉnh ngay sau lễ khai mạc Festival rằng, “trong điều kiện còn nghèo, nếu để lựa chọn giữa xây dựng 13 tuyến đường về trung tâm xã và xây dựng nhà hát, tôi nhất định chọn làm đường” và rằng, “Nhà hát cần, nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay, nên để làm sau. Còn chưa có nhà hát thì hát ở nhà. Đờn ca tài tử không phải đến nhà hát đâu, trên sông cũng hát được”… thì vẫn chưa được trả lời.
Cũng phải nói thêm, theo báo cáo của ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, địa phương hiện còn 13/50 xã ô tô chưa đến được; còn đến 371 tuyến dân cư nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điện…
Bạc Liêu không phải là trường hợp duy nhất rơi vào tình cảnh khó lý giải về lựa chọn dự án đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã không ngần ngại nhắc đến câu nói được cho là thường trực mỗi khi lãnh đạo địa phương lên các bộ họp, rằng “địa phương em đang khó khăn thế này, nếu được các anh quan tâm đầu tư, thì kinh tế - xã hội địa phương sẽ phát triển thế kia…”.
Hệ quả của cơ chế đầu tư đó chính là các phong trào đầu tư của các địa phương, từ cảng biển, sân bay đến sân golf, khu công nghiệp..., khiến Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phải thốt lên rằng, rất mệt mỏi trước các đề nghị đầu tư từ các địa phương.
Tư duy kinh tế tỉnh
Không quá khó để thấy, tư duy kinh tế tỉnh đang chi phối mạnh các quyết sách trong phát triển kinh tế của các vị lãnh đạo địa phương.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hay Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đều từng là “người trong cuộc” của câu chuyện này. Trước khi đảm trách nhiệm vụ “tổng tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư, ông Vinh đã nắm giữ các vị trí lãnh đạo của tỉnh Lào Cai. Tương tự, ông Nguyễn Đức Kiên cũng từng có nhiều năm ở vị trí Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.
Chính vì vậy, các ông hiểu yêu cầu cần thiết phải có những dấu ấn riêng trong nhiệm kỳ của các vị lãnh đạo đầu tỉnh. Thậm chí, động cơ này có thể tạo nên những bước đột phá của các địa phương, nhất là những nơi không hội tụ các điều kiện thuận lợi…
Nghĩa là, cách làm của Bạc Liêu hoàn toàn có thể chia sẻ được nếu đứng riêng ở góc độ địa phương trong việc tranh thủ nguồn ngân sách trung ương cho các dự án của tỉnh. Ngay cả roadshow ồn ào của UBND tỉnh Thanh Hóa về một đại dự án thép với quy mô 30 tỷ USD cũng chứa đựng mong muốn của tỉnh là tìm điểm tựa cho kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, như ông Nguyễn Đức Kiên lo ngại, cát cứ địa phương đang phá vỡ sự cân bằng của hệ thống chính sách, pháp luật khi nhiều địa phương vơ bèo vạt tép, hạ tiêu chuẩn, tăng ưu đãi để thu hút đầu tư. Không những thế, việc này còn ảnh hưởng lớn tới tính thống nhất của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Còn nhớ, khi bàn về tính cát cứ trong điều hành kinh tế địa phương, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những người lãnh đạo tỉnh không thể làm khác. Áp lực của lãnh đạo các địa phương đang phải sống dựa vào ngân sách trung ương thực sự nặng nề, dù nhiều địa phương trong số đó được giao trọng trách đảm bảo quốc phòng, an ninh.
“Bản chất của tư duy quản lý kinh tế là xác định không gian phát triển chung, phát triển kinh tế không thể theo biên giới hành chính. Một khi chính quyền tỉnh bị gắn với lợi ích kinh tế, chưa thực hiện hệ thống quản lý về kinh tế của Nhà nước một cách thống nhất, thì việc trước hết mà các vị lãnh đạo phải làm vẫn là thực hiện cho được các tiêu chí về phát triển kinh tế”, ông Thiên phân tích và cho rằng, với cách phân giao nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp như hiện tại, thì cho dù chia nền kinh tế Việt Nam thành các vùng kinh tế thay cho tỉnh, thì cũng sẽ lại có cát cứ theo vùng kinh tế.
Xác định rõ nhiệm vụ nhà nước
Ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, không chỉ gà vịt, trâu bò vẫn đang đầy rẫy trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch của không ít địa phương, mà nhiều nội dung trong bảng danh sách nhiệm vụ, chức năng của một số bộ, ngành từ thời kinh tế kế hoạch vẫn tồn tại đến nay.
“Không hiểu những phần việc chỉ có trong kinh tế kế hoạch giờ có cần thiết phải có sự tham gia quản lý của Nhà nước không, vì về nguyên tắc, đó là việc của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Nhưng một khi còn tên trong phân công nhiệm vụ, nghĩa là còn bộ máy và cần những quy định, thủ tục để quản lý nhà nước. Tương tự, các địa phương còn đặt mục tiêu năm nay nuôi thêm bao nhiêu con bò, con trâu, thì sẽ phải có hệ thống đánh giá thực hiện các chỉ tiêu này”, ông Thái nói.
Thực ra, trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng thừa nhận, rất khó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cải cách thủ tục hành chính theo đúng mong muốn là tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ trong quản lý nhà nước trong bối cảnh các cơ quan quản lý nhà nước, kể cả các địa phương, đang bị giao gánh quá nhiều trách nhiệm mà đáng ra không thuộc về họ.
Khi Nhà nước không xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình trong nền kinh tế thị trường, thì hệ thống quy định, quy tắc để thực hiện các nhiệm vụ đó sẽ không rõ ràng, dễ dẫn đến chồng lấn. Thậm chí, trong bức tranh thiếu nét này, môi trường kinh doanh dễ bị chia cắt với sự tranh chấp, giằng co về quyền lực, sự gia tăng sức ép về ngân sách và phân bổ sai nguồn lực… (Còn tiếp)