Mối quan hệ “win-win” giữa start-up và quỹ đầu tư

Mối quan hệ “win-win” giữa start-up và quỹ đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Ở vòng gọi vốn nào, các nhà đầu tư đều kỳ vọng có thể nhìn thấy quyết tâm gắn bó với công ty trong thị trường có quy mô lớn từ các nhà sáng lập.

Quỹ đầu tư nhìn vào đội ngũ của start-up

Sau hơn 10 năm khởi nghiệp và thực hiện nhiều vòng gọi vốn, ông Phan Hồng Minh, nhà sáng lập, kiêm CEO Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ nhà sạch (sở hữu thương hiệu JupViec) nhớ nhất quá trình gọi vốn vòng hạt giống với Quỹ đầu tư Nhật Bản - CyberAgent Ventures từ năm 2015.

Khi ấy, ông Minh không có kinh nghiệm về sổ sách, tài chính, không có lợi thế về nền tảng công nghệ, nhưng từ sự giúp đỡ của một người cố vấn, Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ nhà sạch đã có thể kết nối với CyberAgent và hoàn thành thương vụ. “Tôi được biết, những công ty chưa có nhiều số liệu, kết quả kinh doanh, thì có một số trọng điểm mà quỹ đầu tư thường nhìn vào để đánh giá là con người, giấc mơ, quyết tâm với dự án”, ông Minh chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures (quỹ đầu tư vào giai đoạn đầu cho các start-up) cho biết, đơn vị này thường chú trọng vào 2 yếu tố là thị trường và đội ngũ. Trong đó, Quỹ sẽ đánh giá xem đội ngũ lãnh đạo start-up có phải là người phù hợp để giải quyết các bài toán đang có trong từng ngành cụ thể hay không.

“Chúng tôi đã đầu tư vào một start-up mà đội ngũ của họ từng khởi nghiệp trong cùng lĩnh vực nhưng không thành công. Những kinh nghiệm trong quá khứ có thể trở thành bài học để họ xử lý các vấn đề tương tự trong dự án hiện tại”, bà Dung chia sẻ quan điểm.

Bà Dung không đặt niềm tin vào các kế hoạch kinh doanh dài hạn trong 5-10 năm của start-up, mà cần các kế hoạch tài chính đảm bảo cân bằng giữa hai yếu tố là tham vọng và dữ liệu thực tế. Nếu start-up không đưa ra được tham vọng đủ sức hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ không muốn tham gia thương vụ. Và nếu start-up đưa ra kế hoạch tham vọng, nhưng những kết quả từ thực tế còn quá thấp sẽ khiến nhà đầu tư cảm thấy start-up không thực tế.

“Thông qua các con số mà nhà sáng lập đưa ra cho từng giai đoạn, có thể thấy họ có thực tế không, có khả năng cải thiện biên lợi nhuận hay không. Tôi không tin vào kế hoạch kinh doanh, nhưng tin rằng, kết quả mà đội ngũ đã đạt được thể hiện khả năng thực thi của họ”, bà Dung nói.

Mối quan hệ win-win

Quan sát hơn 80 start-up nói chung và 7 start-up Việt nói riêng mà mình trực tiếp hỗ trợ gọi vốn, bà Dung đưa ra 3 điểm yếu mà đa số start-up thường mắc phải khi gọi vốn.

Đầu tiên là khả năng truyền đạt điều mình mong muốn với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Để giải quyết điểm yếu này, start-up nên chuẩn bị tài liệu gọi vốn (pitch deck) và gửi trước đến nhà đầu tư. Nếu nhà sáng lập tổng hợp các câu hỏi thường được nhiều quỹ đầu tư đặt ra thành tài liệu “những câu hỏi thường gặp” để gửi kèm theo pitch deck, thì buổi gặp đầu tiên chắc chắn trở nên vô cùng chất lượng.

Điểm yếu thứ hai là sự lúng túng khi được hỏi về các số liệu hoặc số liệu không logic. “5 năm tới start-up muốn đạt được những kết quả nào và làm gì để đạt điều đó là hai câu hỏi mà nếu start-up không trả lời ngay được, thì tôi thấy họ chưa thực sự dành nhiều thời gian suy nghĩ nghiêm túc việc phát triển của công ty”, bà Dung nói.

Điểm yếu thứ ba có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả của thương vụ đầu tư. Đó là các hành động duy trì tương tác, kết nối trước và sau khi thương vụ được chốt. “Khi gọi vốn, nói nôm na là “đi bán hàng”, start-up cần phải có kỹ năng thuyết trình, thuyết phục và xử lý tình huống khi nhà đầu tư đưa ra các câu hỏi khó”, ông Phan Hồng Minh nói.

Theo ông Minh, sau khi nhận vốn đầu tư trong giai đoạn đầu, Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ nhà sạch đã tìm một nhân sự phụ trách tài chính để hệ thống lại sổ sách. Trong khi đó, đội ngũ sáng lập cố gắng đặt mình vào vị thế của nhà đầu tư để giải bài toán khó là sử dụng từng đồng tiền thật giá trị và start-up tiếp tục tăng trưởng.

Khi hệ sinh thái khởi nghiệp chưa phát triển vào khoảng 5-10 năm trước, nhiều start-up thường than phiền về việc bị nhà đầu tư “ép” tăng trưởng. Song theo quan sát của ông Minh, hệ sinh thái đã trưởng thành hơn, trong đó mối quan hệ giữa quỹ đầu tư và start-up là quan hệ “win-win” nhằm tạo sự tin tưởng và đồng hành.

“Vị thế của nhà đầu tư và start-up khác nhau, nên tôi cần nhấn mạnh rằng, nhà sáng lập phải đặt mình vào vị thế của nhà đầu tư để hiểu hơn mong muốn của họ. Từ đó, dễ dàng thấu hiểu những áp lực mà đối phương đang gặp, tránh tình trạng ép hay bị ép”, ông Minh chia sẻ.

Tin bài liên quan