Kể từ khi Việt Nam - Hoa Kỳ gác lại quá khứ, mối quan hệ giữa hai nước phát triển rất đặc biệt. Ông có thể điểm một số nét chính trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ?
Ngày 12/7/1995 đặt dấu ấn đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khi hai nước chính thức bình thường hóa và thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Chỉ sau sự kiện này vài tuần, ngày 6/8/1995, ông Warren Christopher, Ngoại trưởng và cũng là vị bộ trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam.
Kể từ thời điểm Ngoại trưởng Warren Christopher “xông đất”, không tính những cuộc thăm viếng lẫn nhau ở cấp bộ trưởng, phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội trở xuống có thể nói là dày đặc, Tổng thống Bill Clinton, Tổng thống George W. Bush đã tới thăm Việt Nam và tới đây là Tổng thống Barack Obama.
Ở chiều ngược lại, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng đều đã tới thăm Hoa Kỳ. Đặc biệt, tại chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 7/2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, hai nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy Thỏa thuận Quan hệ Đối tác toàn diện được ký kết năm 2013.
Trong vòng 20 năm qua, bên cạnh mối quan hệ ngoại giao, tất cả các mối quan hệ, hợp tác song phương khác về khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường…, kể cả an ninh - quốc phòng đã đạt được những tiến triển tích cực và thực chất. Đặc biệt, quan hệ kinh tế, thương mại có sự phát triển vượt bậc, đã đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai bên tăng rất mạnh đã đưa Hoa Kỳ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại khi xuất siêu vào thị trường Hoa Kỳ ngày càng lớn. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ chiếm tới 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, với trị giá 33,5 tỷ USD, xuất siêu 25,5 tỷ USD.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius nhận định, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang tăng lên hàng tuần. Ông có cho rằng, ông Ted Osius phát biểu không hề mang tính chất ngoại giao, mà phản ánh đúng bản chất của mối quan hệ này?
Cách đây 20 năm, có lẽ ít ai hình dung được bằng cách nào Việt Nam và Hoa Kỳ có thể xây dựng được một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay, với nhiều dấu mốc phát triển quan trọng như thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000 và thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.
Khi hai nước bắt đầu bình thường hóa quan hệ (năm 1995), có chưa đến 60.000 du khách Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, chưa đến 800 sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Hoa Kỳ, thương mại song phương chỉ đạt 451 triệu USD. Nhưng 20 năm sau (năm 2015), Việt Nam đã đón khoảng nửa triệu lượt du khách Hoa Kỳ, trên 17.000 sinh viên Việt Nam đang theo học, nghiên cứu tại Hoa Kỳ - đứng thứ 8 trong số các cộng đồng sinh viên nước ngoài du học tại Hoa Kỳ; thương mại hai chiều đạt 41,5 tỷ USD.
Chưa cần nhắc lại các mối quan hệ hợp tác khác, chỉ cần điểm lại những con số kể trên đã chứng minh rằng, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ “tăng lên hàng tuần”.
Tôi cho rằng, sau 20 năm bình thường hóa, mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã thay đổi về chất, về tầm vóc và chiều sâu. Mối quan hệ đặc biệt này ngày càng được khẳng định bằng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia, đặc biệt là sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015.
Phát biều về mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Thủ đô Washington (Hoa Kỳ), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là kết quả nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước, với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ theo Tổng Bí thư là thí dụ thành công về quan hệ giữa các nước từng đối đầu trong quá khứ, có thể chế chính trị khác nhau, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác của thời đại.
Nếu hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được coi là trọng tâm trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thì BTA chính là nền tảng và động lực phát triển mối quan hệ này, thưa ông?
Chưa đầy một năm sau ngày Ngoại trưởng Hoa Kỳ Warren Christopher thăm Việt Nam, vào tháng 5/1996, Hoa Kỳ đã trao cho Việt Nam tài liệu phác thảo BTA. Sau nhiều vòng đàm phán, BTA đã được đại diện hai nước ký kết ngày 14/7/2000 và đến ngày 10/12/2001 chính thức có hiệu lực - mở đường cho kỷ nguyên phát triển quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.
Kể từ khi thực hiện BTA đến nay, thương mại thế giới có lúc thăng, lúc trầm; hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam với các nước có lúc tăng, lúc giảm, nhưng thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ tăng liên tục. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất, là một trong 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất và càng trở nên quan trọng hơn.
Hiện nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Microsoft, IBM, Ford, Cocacola, PepsiCo, Cargill, P&G, Nike… đã có mặt tại Việt Nam và đang đẩy mạnh đầu tư nhằm biến những dự án của họ tại Việt Nam thành “cứ điểm” sản xuất quan trọng trên toàn cầu.
Tôi cho rằng, BTA không chỉ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, mà còn là bàn đạp, là bước chuẩn bị rất cần thiết để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nếu không có BTA, tôi nghĩ, Việt Nam khó có thể trở thành thành viên của WTO vào tháng 1/2007. Bởi trong các thành viên WTO mà Việt Nam đàm phán thì đàm phán với Hoa Kỳ là khó khăn nhất, nhưng rất may khi đó BTA đã được thực hiện nên việc đàm phán diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều.
Nếu BTA mở đường để quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển, thì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này phát triển mạnh mẽ hơn, thưa ông?
Tôi rất đồng tình với phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ, ngài Ted Osius trong Hội thảo về TPP được Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức vào đầu tháng 3/2016 tại Vĩnh Phúc rằng, TPP sẽ định hình tương lai của Việt Nam, tương lai của quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới.
Nên nhớ rằng, năm 2000, xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm 1% tổng kim ngạch hàng hóa của ASEAN xuất khẩu vào Hoa Kỳ, thì nhờ BTA, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Malaysia, Indonesia để trở thành nước xuất khầu hàng hóa lớn nhất vào thị trường này trong khu vực ASEAN, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN vào Hoa Kỳ. Nhiều chuyên gia tính toán, năm 2020, tức là chỉ sau khoảng 2 năm kể từ khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ xuất khẩu vào Hoa Kỳ khoảng 60 tỷ USD, chiếm hơn 34% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực ASEAN vào thị trường này.
Các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút đầu tư cũng như xuất khẩu vào Hoa Kỳ là Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc chưa tham gia TPP và phải ít nhất 7 - 8 năm sau khi TPP có hiệu lực (dự kiến vào giữa năm 2018), các thành viên TPP mới tính đến chuyện mở rộng thành viên. Đây là khoảng thời gian đủ dài để hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là dệt may, da giày, thủy sản chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ.
Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; giày dép; dệt may; nông sản, thủy sản... Hiện tại, ngoài nông, thủy sản, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực chủ yếu là gia công, lắp ráp vì lượng xuất khẩu chưa đủ lớn, nên công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.
Tuy nhiên, sau khi TPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng tối thiểu 30%/năm so với không tham gia TPP. Khi lượng xuất khẩu đủ lớn, cộng với yêu cầu xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào các nước thành viên TPP và nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường TPP, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, tôi tin rằng, nền kinh tế nước ta sẽ phát triển nhanh và bền vững.
Nếu BTA được coi là nền tảng quan trọng của sự phát triển ngoạn mục trong quan hệ kinh tế, thương mại, thì TPP chính là cú hích quan trọng, bước tiến mới, tăng cường cơ hội, là điều kiện thuận lợi để nâng mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ một cách toàn diện hơn, tích cực hơn. Mối quan hệ này, như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 7/2015 là đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
(Bài viết được đăng trên Đặc san song ngữ Việt - Anh “Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội kinh doanh rộng mở" (Vietnam-US relations: Flourishing business opportunities) do Báo Đầu tư sản xuất, phát hành tháng 5/2016.