Mối nguy bẫy thu nhập trung bình đang hiện hữu

Mối nguy bẫy thu nhập trung bình đang hiện hữu

(ĐTCK) Trong cuốn sách “Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam” vừa ra mắt, GS. Kinh tế học Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo-Nhật Bản) cảnh báo, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đối điện với nguy cơ “chưa giàu đã già” và 3 cái bẫy lớn, đó là thu nhập trung bình thấp, thương mại tự do và đáng lo ngại nhất là dấu hiệu chuyển dịch quá sớm sang giai đoạn hậu công nghiệp hóa.

Từ những nghiên cứu của GS. Thọ cho thấy, giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam kéo dài từ năm 1970 sẽ kết thúc vào khoảng năm 2020 và chậm nhất là vào năm 2025. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Việt Nam đã gần như bỏ lỡ phần lớn thời cơ phát triển, bởi từ giai đoạn đổi mới bắt đầu từ năm 1986, bên cạnh việc phục hồi sản xuất nông nghiệp, Việt Nam mới chỉ bắt đầu xây dựng được các tiền đề về thể chế kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới.

Thời kỳ quan trọng nhất là từ năm 1993, Việt Nam hội đủ mọi điều kiện nội lực và quốc tế thuận lợi, theo GS. Thọ, nếu quyết tâm cải cách thể chế để củng cố nội lực và tận dụng ngoại lực thì có thể phát triển với tốc độ trung bình là 10%/năm trong suốt 20 năm qua, để từ đó đến nay trở thành nước có thu nhập trung bình cao và chuẩn bị cho giai đoạn trở thành nước công nghiệp phát triển trong thời gian tới.

“Trong giai đoạn này, kinh tế Việt Nam tương đối phát triển, song chưa mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng trung bình thời kỳ cao nhất cũng chỉ hơn 7%/năm, trong khi nhiều nước châu Á trong giai đoạn đó có tốc độ phát triển liên tục 9-10%/năm.

Khi chấm dứt cơ cấu ‘dân số vàng’, thu nhập đầu người của Việt Nam nếu tính theo giá năm 2005, giả sử có tốc độ tăng trưởng cao đều đặn 8%/năm liên tục, thì cho tới năm 2025 cũng chỉ đạt 2.000-3.000 USD/năm, bằng 1/10 của Hàn Quốc hay Nhật Bản và gần 1/2 của Trung Quốc và Thái Lan trong thời điểm tương ứng.

Như vậy, khi giai đoạn này sắp qua đi và thời kỳ lão hóa dân số sắp cận kề mà thu nhập đầu người còn rất thấp, ngay cả khi chấm dứt ‘giai đoạn vàng’ mà mức thu nhập chưa vượt lên nổi qua mức trung bình, thì rõ ràng khả năng đối diện nguy cơ ‘chưa giàu đã già’ đã hiện hữu”, GS. Thọ phân tích.

Đi cùng nguy cơ trên là bẫy thu nhập trung bình thấp đang mấp mé chờ đón, thách thức nền kinh tế Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của GS. Thọ đã chỉ ra rằng, nếu vẫn cứ duy trì xu thế phát triển như hiện nay, khả năng mắc bẫy thu nhập trung bình thấp của Việt Nam là khó tránh khỏi.

“Nhìn từ tỷ lệ công nghiệp trong GDP và trong lao động có việc làm, công nghiệp hóa tại Việt Nam tiến triển chậm, năng suất lao động trong công nghiệp rất thấp, lợi thế so sánh trên cơ bản vẫn là các ngành có hàm lượng lao động kỹ năng thấp. Các thị trường liên quan đến yếu tố sản xuất như thị trường vốn, lao động, đất đai chậm phát triển, hoặc phát triển méo mó. Tiến trình cải cách DNNN lại không triệt để và tiến hành chậm, thiếu chất lượng, khu vực tư nhân chưa được được tạo điều kiện phát triển tương xứng, đặc biệt các DN nhỏ khó tiếp cận vốn, đất đai, sự phân bổ nguồn lực đầu tư cũng bị méo mó. Trong khi đó, Việt Nam chỉ mới đạt mức thu nhập trung bình thấp, nếu cứ loay hoay mãi trong tình trạng này mà không có giải pháp đột phá, đẩy mạnh cải cách thể chế để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao mức thu nhập bình quân thì sẽ khó có thể tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp”, GS.Thọ nhấn mạnh. 

Không chỉ có vậy, xu hướng đáng lo ngại hơn mà GS. Thọ cảnh báo, đó là Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển dịch quá sớm sang thời đại hậu công nghiệp và tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ mới lớn hơn chính là bẫy thương mại tự do, được tạo ra bởi trào lưu mậu dịch tự do sau khi triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

“Việt Nam chưa trải qua một thời đại phát triển với tốc độ cao, mặc dù đã ở trong giai đoạn ‘dân số vàng’. Với các lợi thế, nhưng chưa có thời kỳ nào cả tỷ lệ đầu tư và nhân tố tăng trưởng tổng hợp của nền kinh tế đều cao cho thấy, hiệu suất nền kinh tế vẫn chưa thể bứt lên, thậm chí còn đang có xu hướng đi xuống. Công nghiệp hóa còn ở giai đoạn thấp nhưng lại có nguy cơ sớm chuyển sang thời đại hậu công nghiệp. Trào lưu mậu dịch tự do sẽ làm cho khuynh hướng đó mạnh hơn. Đây là những vấn đề lớn mà Việt Nam cần xác định sẽ tiếp tục phải đối mặt trong thời gian tới”, GS. Thọ khuyến cáo.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển dịch sang thời kỳ hậu công nghiệp hóa sớm (giải công nghiệp hóa) với tốc độ tăng trưởng “nghẽn” ở mức trung bình trong mấy năm qua. Mức tăng trưởng công nghiệp năm 2014 của Việt Nam chỉ tương đương mức của Colombia năm 1972 và dừng lại ở đó. Điều này đã cảnh báo dấu hiệu tình trạng “giải công nghiệp hóa”.

Cũng theo bà Lan, dù tính toán mọi cách, đến năm 2035, Việt Nam cũng chưa thể trở thành nước giàu, cùng lắm chỉ đạt mức vào trung bình cao. “Để có thể đạt được mức thu nhập trung bình cao (xấp xỉ 18.000USD/năm) vào năm 2035, Việt Nam cần một loạt điều kiện phải đáp ứng, mà tiên quyết là cải cách thể chế, nếu không nguy cơ sa bẫy thu nhập trung bình thấp là rất lớn”, bà Lan nhận định.

Tin bài liên quan