Trong khi các chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ công của Việt Nam quá cao, thì Bộ Tài chính khẳng định “vẫn an toàn”, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Nếu căn cứ vào “chuẩn” Quốc hội cho phép là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP thì cả hai nhận định trên đều… đúng. Bởi tính đến cuối năm 2015, nợ công tương đương 61,3% GDP, tức là nằm trong ngưỡng an toàn nợ công, nhưng nợ Chính phủ tương đương 50,3%, tức là vượt ngưỡng an toàn.
Nếu chia số nợ công cho trên 93 triệu dân hiện nay thì mỗi người dân đang “cõng” khoảng 30 triệu đồng nợ công, tương đương 1.500 USD. Với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2015 vào khoảng 2.000 USD, mà nợ công bình quân đầu người lên tới 1.500 USD thì quả là cao.
Nợ công cao hay thấp, theo tôi không đáng ngại, mà cái đáng lo ngại là hiệu quả sử dụng đồng vốn đi vay thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hồi được vốn đầu tư để trả nợ.
Vấn đề là phải có giải pháp tăng hiệu quả đầu tư công, thưa ông?
Nhìn vào hàng loạt dự án đầu tư công chậm tiến độ, tổng mức đầu tư được điều chỉnh nhiều lần khiến dự án đầu tư cao hơn nhiều so với thiết kế ban đầu và cao hơn nhiều so với khu vực kinh tế khác đầu tư; hàng loạt dự án đầu tư xong đắp chiếu do sử dụng không hết công suất thiết kế, thậm chí không sử dụng được, thì sẽ thấy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công rất thấp. Hiệu quả đầu tư không cao, không có tiền trả nợ, trong khi vẫn phải đầu tư, nên lại tiếp tục đi vay khiến áp lực vay vốn và trả nợ vốn vay mỗi năm một tăng.
Giải bài toán nợ công, thứ nhất, phải xây dựng được hệ thống pháp luật đồng bộ, như một tấm lưới đủ dầy để không cho ruồi muỗi lọt qua. Ruồi muỗi ở đây chính là tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong huy động, quản lý, đầu tư, sử dụng vốn đầu tư công.
Thứ hai, phải đề cao trách nhiệm tập thể, cá nhân trong vay vốn, sử dụng vốn vay. Trong đó Chính phủ phải cam kết trước Quốc hội; Bộ trưởng phải cam kết với Thủ tướng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải cam kết với Chính phủ, HĐND cùng cấp về hiệu quả sử dụng đồng vốn.
Thứ ba, khẩn trương thu hẹp đầu tư theo hướng dự án nào hiệu quả, có sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của ngành hoặc lĩnh vực thì tập trung đầu tư. Ngược lại, những dự án nào chưa thực sự cần thiết, không tìm được nguồn vốn, đầu tư thấy không hiệu quả thì mạnh dạn cắt bỏ.
Thứ tư, tăng cường giám sát không chỉ của Quốc hội, HĐND các cấp, mà phải phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò của báo chí.
Cuối cùng, phải xử lý mạnh tay, thậm chí truy tố đối với những người có trách nhiệm để xảy ra đầu tư công thất thoát, lãng phí, tham ô, tham nhũng.
Có ý kiến cho rằng, đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả còn có nguyên nhân là do phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong đầu tư công?
Phân cấp, phân quyền là đúng, nhưng phân cấp, phân quyền phải đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Còn phân cấp, phân quyền mà buông lỏng thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho cơ chế xin - cho nảy mầm và phát triển tối đa. Chính vì vậy, như tôi nói, một trong những biện pháp tăng hiệu quả đầu tư là phải tăng cường sự giám sát của cả xã hội, đặc biệt là của cơ quan báo chí. Công trình nào, dự án nào mà người dân, báo chí phát hiện kém hiệu quả thì đăng tải ngay, tạo ra dư luận xã hội, buộc các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý.
Rất mừng là Chính phủ đã sớm nhìn ra hiệu quả đầu tư công thấp, nên ngay từ cuối năm 2011, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, sau đó trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ 1/1/2015). Hiện tại, về cơ bản, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ văn bản hướng dẫn luật này. Hy vọng, triển khai Luật Đầu tư công, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công sẽ được thắt chặt.
Sau 18 tháng triển khai luật, đầu tư công đang gặp ách tắc, theo ông, giải pháp nào để tháo gỡ?
Trong 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân đạt 36,2% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 47%); vốn trái phiếu chính phủ giải ngân đạt 25,8% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 44%). Để tháo gỡ vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật liên quan; theo dõi, rà soát tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương, trường hợp đơn vị nào đến 30/9/2016 giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn sẽ bị điều chỉnh vốn. Đối với các dự án đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016, kiên quyết không bố trí kế hoạch năm 2017…
Bộ Xây dựng tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, thực hiện phân cấp mạnh và rà soát, kịp thời giải quyết các rào cản, khó khăn, vướng mắc trong việc thẩm định, quản lý dự án… Tôi tin rằng, với những biện pháp quyết liệt này, đầu tư công sẽ được khơi thông.