Trên thị trường hiện đang có xu thế thành lập CTTC, nhìn nhận của ông về vấn đề này ra sao?
Ở các quốc gia phát triển, CTTC do các tập đoàn kinh tế lớn lập nên để hỗ trợ bán hàng cho tập đoàn như mua ô tô Mercedes thì được vay vốn tại CTTC của Mercedes; hoặc tại những ngân hàng tầm cỡ như Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Mỹ (US-Eximbank) cũng có CTTC để hỗ trợ bán hàng cho những tập đoàn có tầm quốc gia, chẳng hạn Tập đoàn Boeing.
Bên cạnh đó, khi TTCK lớn mạnh, người ta nghĩ rằng, sử dụng CTTC vào việc đầu tư gián tiếp trên TTCK và đầu tư trực tiếp vào công ty khác sẽ mang lại lợi nhuận nên CTTC ngày càng phát triển… Do vậy, việc thành lập CTTC không phải là ý tưởng mới, mà chỉ là một trong những cách mở rộng tín dụng, né tránh đầu tư vào tập đoàn sân sau mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể giám sát hoặc đầu tư vào những lĩnh vực liên quan...
Tuy vậy, thực tế việc có các CTTC sẽ thêm cơ hội cho người dân tiếp cận tín dụng tiêu dùng với các thủ tục được đơn giản hóa. Vì thế, xu hướng thành lập CTTC cũng là việc nên làm.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Theo ông, có quan ngại nào đối với việc thành lập CTTC?
CTTC của các tập đoàn không quá lo ngại lắm vì phạm vi huy động vốn không phải là rộng, phạm vi đầu tư tập trung vào khu vực có lợi cho tập đoàn, nhưng CTTC của các ngân hàng, mà ngân hàng nào cũng có 1 CTTC là điều đáng quan ngại.
Vốn ngân hàng gián tiếp chảy vào CTTC rồi từ CTTC đầu tư sang lĩnh vực khác, khi hạch toán bảng cân đối tài sản tổng hợp đương nhiên ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng đó. Còn chơi gian lận theo lối các ngân hàng tuồn vốn sang các CTTC hoặc CTCK của mình rồi đầu tư vào các công ty sân sau hoặc đầu tư trên TTCK sẽ càng nguy hiểm.
Bài học của các CTCK, công ty cho thuê tài chính trước đây đã làm ảnh hưởng xấu đến các ngân hàng như Sacombank Leasing, ALC I và II thuộc Agribank…
Việc ra đời CTTC không phải là điều đơn giản và đây cũng không phải là một lĩnh vực béo bở như mọi người vẫn tưởng, mà chỉ nên có những công ty hoạt động giới hạn như cho vay tiêu dùng…
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những tư duy cho rằng, đây là lĩnh vực ít rủi ro, nếu có rủi ro thì tác động đối với toàn bộ nền kinh tế và xã hội không lớn bởi không liên quan đến tiền gửi của dân chúng.
Nhưng thực tế, nếu loại hình công ty này ra đời hàng loạt và hoạt động với quy mô lớn thì rủi ro lại khá cao, bởi khi đó, nền kinh tế mất sẽ đi một nguồn vốn lành mạnh, đáng ra được đầu tư hiệu quả thì lại làm cho một thị trường nào đó nóng lên như bất động sản, chứng khoán…, mà khi vỡ bong bóng sẽ để lại nhiều hệ lụy.
Vậy làm thế nào để tránh các rủi ro này, thưa ông?
CTTC ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào tín dụng tiêu dùng nhưng cần hết sức cẩn trọng. Trường hợp của Thái Lan và Trung Quốc là những bài học. Ở thời kỳ đỉnh điểm, mỗi tỉnh của nước này đều có CTTC đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bất động sản, chứng khoán… Và khi bong bóng vỡ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 với sự phá sản của hàng loạt CTTC.
Trong khi đó, ra đời một định chế tài chính cho dù được giới hạn chặt chẽ về huy động vốn nhưng rủi ro gánh chịu vẫn rất lớn. Đây là rủi ro đặc trưng của thị trường tài chính nói chung. Nguyên tắc tối thượng của CTTC là không được phép huy động tiền gửi từ dân chúng, mà chỉ được phép phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn từ các quỹ, tập đoàn để đầu tư vào lĩnh vực khác trong, ngoài tập đoàn.
Cụ thể hơn, theo tôi, CTTC cần tránh hai điểm: thứ nhất, gián tiếp đưa vốn từ ngân hàng sang CTTC thông qua việc phát hành trái phiếu với chiến thuật “salon chiến”, nghĩa là bán chéo trái phiếu nhằm tránh việc cho vay không bị kiểm soát vào những lĩnh vực tạo ra bong bóng khiến sụp đổ CTTC đã từng xảy ra ở Trung Quốc, Thái Lan; thứ hai, tránh dùng CTTC để “né” kiểm soát của NHNN theo Thông tư 36 về cho vay người có liên quan.
Một yếu tố nữa, dù không chịu ràng buộc khắt khe về các chỉ số an toàn như ngân hàng, cơ quan quản lý phải rất cẩn trọng trong việc giám sát, buộc CTTC tuân thủ các chỉ tiêu tài chính khắt khe như ngân hàng. Do đó, kể cả nhà đầu tư tiền vào CTTC cũng như bản thân CTTC đầu tư tiền vào những lĩnh vực khác nên hiểu rằng đang gánh những rủi ro thực sự trên vai.
Có ý kiến cho rằng, CTTC là “đầu mối” của tín dụng đen. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tín dụng tiêu dùng hay CTTC không những không phải là tín dụng đen, mà còn là một cứu cánh cho những “khách hàng” của nạn này. Còn nếu muốn nói tới khía cạnh lãi suất cao thì nên hiểu rằng, rủi ro cao sẽ song hành với lãi suất cao là chuyện đương nhiên. Cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp thì lãi suất này mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành.
Hiện tại, các CTTC hoạt động với mục tiêu chủ yếu là chiếm lĩnh thị phần trước khi loại hình tín dụng này trở nên phổ biến trong đời sống xã hội, nên thường tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận được dễ dàng với các khoản vay. Theo đó, các yêu cầu đối với hồ sơ vay thường đơn giản. Việc làm này vô hình chung đã khiến họ đang tự chuốc lấy phần rủi ro cao hơn về phía mình.
ĐHCĐ 2015 vừa qua, nhiều ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông về việc thành lập CTTC. Cụ thể, BIDV trình cổ đông kế hoạch lập CTTC với ba phương án: mua lại một CTTC trên thị trường hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có thành CTTC tiêu dùng hoặc sẽ thành lập CTTC mới. VietinBank chuyển một phần PGBank thành CTTC PG Finance. ACB, Sacombank, NamA Bank… cũng đã trình cổ đông kế hoạch thành lập CTTC với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. |