Kiểm toán viên quá tải
Mùa kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014 đang đi vào cao điểm, nhưng sau hai đợt công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), hiện mới chỉ có 27 công ty kiểm toán, với tổng số 512 kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán (bao gồm các công ty đại chúng quy mô lớn, công ty niêm yết, CTCK, quỹ và các công ty quản lý quỹ). Con số này giảm mạnh so với các năm trước. Năm 2014, có 43 công ty kiểm toán trong danh sách này, sau ba đợt công bố của UBCK.
Nguyên nhân giảm mạnh số công ty kiểm toán trong danh sách này, được nhiều chuyên gia trong ngành chỉ ra, là do tiêu chuẩn, điều kiện để được chấp thuận kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng từ mùa kiểm toán 2015 được nâng lên rất nhiều, đặc biệt là điều kiện về số lượng khách hàng. Cụ thể, theo Thông tư 183/2013 của Bộ Tài chính, được áp dụng từ kỳ xem xét hồ sơ chấp thuận kiểm toán năm 2015, công ty kiểm toán phải có phát hành báo cáo kiểm toán cho tối thiểu 150 khách hàng trong năm nộp hồ sơ xin được chấp thuận. (Hồ sơ xin được chấp thuận kiểm toán năm 2015 được nộp vào cuối năm 2014 - PV). Với các công ty kiểm toán đã được chấp thuận năm trước thì phải đáp ứng thêm điều kiện có tối thiểu 10 khách hàng là đơn vị có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán. Trong khi đó, theo quy định cũ (Quyết định 89/2007/QĐ-BTC), công ty kiểm toán chỉ cần đáp ứng điều kiện có tối thiểu 30 khách hàng.
Với một danh sách công ty kiểm toán tham gia kiểm toán DN niêm yết “được” rút ngắn hơn rất nhiều, một số chuyên gia trong ngành quan ngại, áp lực lên mỗi kiểm toán viên vốn đã rất căng lại càng căng hơn. Kiểm toán viên sẽ khó tránh khỏi tình trạng “chạy sô”, ảnh hưởng đến chất lượng của báo cáo kiểm toán.
Siết chất lượng kiểm toán bằng tăng số khách hàng, ổn không?
Kiểm toán độc lập là một loại hình dịch vụ đặc biệt, bởi báo cáo kiểm toán, ý kiến của kiểm toán viên có ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của cổ đông, nhà đầu tư trên TTCK. Việc đòi hỏi các công ty kiểm toán phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe để đảm bảo chất lượng dịch vụ kiểm toán, chất lượng của các báo cáo kiểm toán phát hành ra công chúng là điều rất cần thiết. Vấn đề là siết chất lượng kiểm toán bằng điều kiện về số lượng khách hàng và với một lộ trình “sốc” có đạt được mục tiêu “nâng chất” cho dịch vụ kiểm toán mà cơ quan quản lý đặt ra.
So với quy định cũ, quy định hiện hành về điều kiện số lượng khách hàng mà công ty kiểm toán phải đáp ứng được khi đăng ký với UBCK đã tăng gấp 5 lần, từ 30 khách hàng lên 150 khách hàng. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, kể từ thời điểm Thông tư 183/2013 được ban hành ngày 4/12/2013, có hiệu lực từ 18/1/2014, cho đến thời điểm nộp hồ sơ xin chấp thuận kiểm toán (1-20/10/2014), các doanh nghiệp kiểm toán quy mô nhỏ khó có thể tăng mạnh về số lượng kiểm toán viên và khách hàng để đáp ứng tiêu chuẩn mới mà Bộ Tài chính đặt ra. Con đường ngắn nhất để các công ty kiểm toán nhỏ đạt được tiêu chuẩn trên là sáp nhập, hợp nhất với doanh nghiệp khác, làm “phép cộng” về số lượng khách hàng và kiểm toán viên cho pháp nhân mới, nếu không muốn văng ra khỏi danh sách được chấp thuận. Năm qua, thị trường đã chứng kiến hai thương vụ hợp nhất, sáp nhập: Công ty Kiểm toán với Tư vấn Nexia ACPA và Công ty kiểm toán Kreston ACA với UHY. Tuy nhiên, theo một giám đốc công ty kiểm toán quy mô nhỏ, trong một thời gian ngắn như vậy, họ “trở tay không kịp”, không kịp đạt được thỏa thuận “kết duyên” với công ty khác, nên đành ngậm ngùi chấp nhận đứng ngoài cuộc chơi.
“Với quy định mới, cơ quan quản lý đã vô hình trung đề cao số lượng khách hàng hơn chất lượng cuộc kiểm toán”, một chuyên gia tài chính nói và cho rằng, để đáp ứng điều kiện được chấp thuận, doanh nghiệp kiểm toán bằng mọi cách phải giữ chân khách hàng, ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán.
Đặc biệt, với quy định số lượng số lượng khách hàng tối thiểu này là 300 khách hàng từ kỳ chấp thuận cho năm 2016, số lượng công ty kiểm toán được chấp thuận có thể còn rút ngắn nữa. Các công ty kiểm toán có quy lớn hơn, số lượng khách hàng đông hơn thành ra “ngư ông đắc lợi”, có thêm nhiều khách hàng và điều này có thể dẫn đến hệ quả làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, giảm động lực nâng cao chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán.
Thực ra, không phải đến thời điểm này, những quan ngại về Thông tư 183 của Bộ Tài chính mới xuất hiện. Không lâu sau thời điểm Thông tư 183 được ban hành, nhiều công ty kiểm toán và chuyên gia trong ngành lên tiếng về những bất cập của Thông tư. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan ban hành Thông tư 183 là khá cứng rắn. Được biết, mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), đề nghị VACPA phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo các DN kiểm toán thực hiện Thông tư 183.
“Sau một thời gian thực hiện, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam tổ chức đánh giá và sửa đổi nếu cần thiết. VACPA có trách nhiệm giải thích cho doanh nghiệp kiểm toán”, Công văn viết.
ĐTCK đã đặt câu hỏi với VACPA về quan điểm liên quan đến vấn đề này, nhưng không nhận được câu trả lời.