Mối lo “thị trường ngân hàng ngầm” bùng nổ

Mối lo “thị trường ngân hàng ngầm” bùng nổ

(ĐTCK) Private Equity (PE) - quỹ đầu tư góp vốn tư nhân là thuật ngữ chỉ chung tất cả các quỹ gom tiền của nhà đầu tư với mục đích mua cổ phần tại doanh nghiệp. PE thường nhắm tới công ty trưởng thành, đã tạo ra lợi nhuận và đang cần có nguồn lực hỗ trợ để có giá trị hơn trên thị trường.

Các quỹ đầu tư góp vốn tư nhân đang bùng nổ nhờ nguồn tín dụng cá nhân ngày càng lớn mạnh, khiến danh mục cổ phiếu mà các quỹ này nắm giữ đã đạt giá trị 4.000 tỷ USD.

Sự phát triển của PE đặt ra mối lo ngại về “thị trường ngân hàng ngầm”, khi dòng vốn tín dụng tư nhân chảy vào quỹ PE, sau đó được sử dụng để cho các doanh nghiệp không thể tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng vay.

Trên toàn cầu, nguồn vốn tư nhân, bao gồm cả các khoản đầu tư mạo hiểm và các khoản nợ xấu, đã tăng từ mức 42,4 tỷ USD năm 2000 lên 776,9 tỷ USD năm 2018. Một nghiên cứu cho thấy, con số này có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2020.

Hơn một nửa số nhà đầu tư tổ chức tham gia PE đến từ Bắc Mỹ (56% tính tới cuối năm 2018), tuy nhiên tốc độ gia tăng nhanh tại châu Âu (hiện chiếm 25%) và châu Á (hiện chiếm 13%).

Các quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm và các gia tộc giàu có là những nhà đầu tư lớn nhất đổ tiền vào các quỹ đầu tư góp vốn tư nhân. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư cổ phiếu cũng mạnh tay rót vốn vào hoạt động mua cổ phần tại các doanh nghiệp, thậm chí tự thành lập công ty tài chính riêng hoặc huy động tiền từ nhiều nguồn khác nhau.

Nguồn tiền tư nhân gia tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến không ít doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực cho vay lớn mạnh nhanh chóng.

Chẳng hạn, Owl Rock Capital Partners, một doanh nghiệp do Blackstone, KKR và Goldman Sachs thành lập hiện đã tích luỹ được khối tài sản trị giá 13,4 tỷ USD, dù mới hoạt động từ năm 2016.

Thông thường, các quỹ đầu tư góp vốn tư nhân tập trung cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, thị trường này đã phát triển đa dạng hơn, nhắm tới doanh nghiệp lớn với khoản vay khủng, điển hình là thương vụ dòng tiền tư nhân đóng góp 1,25 tỷ USD để Ion Investment Group thâu tóm hãng cung cấp dữ liệu Acuris trong năm nay. Các khoản vay có thể được bơm trực tiếp cho doanh nghiệp, hoặc gián tiếp thông qua động thái được gọi là “gói hỗ trợ doanh nghiệp”.

Trên thị trường này, đối với người cho vay, yếu tố hấp dẫn nhất chính là lãi suất. Thực tế, trong thập kỷ vừa qua, chương trình nới lỏng của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu khiến lãi suất luôn ở mức thấp.

Trong khi đó, các khoản cho vay tại thị trường tín dụng tư nhân thường mang lại lợi suất ở mức 7 - 9%/năm, cao hơn nhiều so với mức 3% của các khoản đầu tư cổ phiếu blue-chip hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp thông thường.

Trong khi đó, với doanh nghiệp đi vay, dòng vốn này dễ tiếp cận, mang tính chất linh hoạt và nhanh chóng hơn so với nguồn tín dụng ngân hàng. Ðây chính là lý do nhà quản lý lo ngại rằng PE và các hình thức cho vay khác sẽ tạo ra các rủi ro nợ xấu, bong bóng tài sản trên thị trường tài chính sau này.

Trong bối cảnh này, giới chức châu Âu đã phải lên tiếng cảnh báo sự bùng nổ của thị trường tín dụng tư nhân mang tới những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường tài chính, trong khi các chiến lược gia tại UBS nhận định: tín dụng tư nhân làm gia tăng việc sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp.

Ðáng chú ý, Jamie Dimon, CEO JPMorgan cho rằng, một số quỹ PE, tổ chức cho vay không phải nhà băng không thể sống sót khi nền kinh tế đi xuống, bởi họ nắm giữ đa phần các khoản vay với chất lượng kém.

Việc đối tượng này biến mất dẫn tới nhiều nhà đầu tư mắc cạn. Tình trạng này sẽ gây náo loạn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Tin bài liên quan