Mối lo ngại về vắc xin AstraZeneca vẫn đang hiện hữu mặc dù các cơ quan quản lý trấn an

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vắc xin AstraZeneca từng được kỳ vọng là vắc xin bảo vệ chính cho phần lớn thế giới vẫn còn đang gây tranh cãi khi nhiều quốc gia hạn chế sử dụng ngay cả khi các nhà khoa học cảnh báo về việc các chính phủ cần phải thận trọng với việc này.
Mối lo ngại về vắc xin AstraZeneca vẫn đang hiện hữu mặc dù các cơ quan quản lý trấn an

Hà Lan đã tham gia vào danh sách ngày càng tăng với khoảng gần 10 quốc gia đình chỉ việc tiêm vắc xin vì lo ngại về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Trong khi các cơ quan quản lý từ châu Âu đến châu Á cho biết, không có dấu hiệu nào về mối liên hệ trực tiếp của vắc xin với các báo cáo về chứng đông máu nghiêm trọng sau khi tiêm chủng.

AstraZeneca cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật (14/3) rằng, hơn 17 triệu liều đã được sử dụng ở châu Âu và Anh và không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm vắc xin này làm tăng nguy cơ đông máu.

Tính đến ngày 8/3, đã có 15 trường hợp báo cáo về các cục máu đông ở chân, được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu và 22 trường hợp chúng đến phổi, được gọi là thuyên tắc phổi.

Helen Petousis-Harris, chuyên gia về an toàn vắc xin tại Đại học Auckland và là cựu cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới về an toàn vắc xin cho biết các chính trị gia đang hành động hết sức thận trọng, nhưng điều đó có nguy cơ làm ảnh hưởng đến nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.

“Chúng ta đang thực hiện các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt và mọi người luôn bị ốm. Chúng ta không thể hoảng sợ mỗi khi nó xảy ra. Nhưng chúng ta cũng cần phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa. Và đó là một sự cân bằng khó khăn”, bà cho biết.

Ann Taylor, giám đốc Y tế của AstraZeneca cho biết số lượng các trường hợp bị chứng đông máu thấp hơn những gì dự kiến ​​sẽ xảy ra một cách tự nhiên trong dân số chung ở quy mô đó. Trong các nghiên cứu, những người tham gia tiêm vắc xin có ít bị chứng máu đông hơn những người được tiêm giả dược.

Hôm thứ Hai (15/3), Thái Lan cho biết họ sẽ tiếp tục triển khai tiêm theo kế hoạch trong tuần này sau 4 ngày sau khi tạm ngừng tiêm do hội đồng y tế đã quyết định rằng vắc xin này không dẫn đến chứng đông máu. Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha và một số thành viên nội các của ông sẽ tiêm vắc xin vào thứ Ba (16/3).

Tỷ lệ người dân EU muốn sử dụng một vắc xin khác (Nguồn: YouGov Plc)

Tỷ lệ người dân EU muốn sử dụng một vắc xin khác (Nguồn: YouGov Plc)

Trong một cuộc khảo sát của YouGov ngày 7/3, nhận thức ở các nước EU về độ an toàn của vắc xin AstraZeneca thấp hơn so với vắc xin của Pfizer và Moderna. Tuy nhiên, người Anh lại đánh giá cao vắc xin AstraZeneca hơn.

Việc tạm ngưng chương trình tiêm chủng ở một số quốc gia có thể xuất hiện các quan điểm tiêu cực bất chấp hướng dẫn từ Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA).

Tuy nhiên, hướng dẫn của EMA không đủ để thuyết phục Ireland tiếp tục tiêm vắc xin và Bộ trưởng Bộ Y tế của nước này vào Chủ nhật (14/3) đã khuyến nghị tạm thời dừng tiêm vắc xin.

Tin bài liên quan