Theo nhà lập pháp Chung Il-young, Korea Electric Power đã huy động được 590 tỷ won (432 triệu USD) trong tháng 10, chưa bằng một nửa so với mục tiêu 1.200 tỷ won (910 triệu USD).
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, thông báo của tỉnh Gangwon về việc họ sẽ không trả nợ cho Gangwon Jungdo Development - công ty thuộc sở hữu của tỉnh và phát triển công viên giải trí Legoland Korea Resort là nguyên nhân gây ra khủng hoảng.
Tỉnh Gangwon đã quyết định nộp đơn xin phá sản cho Gangwon Jungdo Development "để tránh phải trả khoản tiền 205 tỷ won mà công ty đã vay từ BNK Securities", Thống đốc tỉnh Gangwon, Kim Jin-tae cho biết trong một cuộc họp báo ngày 28/9.
Sau đó, trước những cú sốc và phản ứng gay gắt trên thị trường, Thống đốc tỉnh Gangwon đã cam kết sẽ trả nợ trước ngày 15/12, nhưng đã quá muộn để xoa dịu những lo lắng trên thị trường.
Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về uy tín tín dụng của những doanh nghiệp, điều này đã dẫn đến tình trạng suy giảm thanh khoản trên thị trường và khiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Đầu tư Tài chính Hàn Quốc, lợi suất trung bình của trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 3 năm với xếp hạng tín nhiệm AA đạt 5,69% vào tuần trước, tăng từ mức 4,537% trong hai tháng trước.
Để xoa dịu thị trường, chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 23/10 đã tuyên bố sẽ bơm ít nhất 50.000 tỷ won (37,74 tỷ USD) vào thị trường trái phiếu sau khi Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho chủ trì cuộc họp khẩn cấp cùng với BOK.
Với chương trình cung cấp thanh khoản, chính phủ sẽ bắt đầu mua trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu thông qua quỹ 20.000 tỷ won (15,09 tỷ USD). Chính phủ cũng tăng gấp đôi quy mô của chương trình mua trái phiếu do chính phủ điều hành lên 16.000 tỷ won (12,07 tỷ USD).
Các nhà phân tích cho biết, các biện pháp này có thể không đủ để ổn định thị trường khi các điều kiện cho vay đang thắt chặt nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Park Jeong-woo, nhà kinh tế tại Nomura cho biết: “Chúng tôi tin rằng, các biện pháp chính sách hiện tại sẽ chỉ mang lại sự hỗ trợ hạn chế trong thời gian ngắn và không có khả năng giải quyết các rủi ro tiềm ẩn của một cuộc khủng hoảng tín dụng trên toàn hệ thống. Trong bối cảnh căng thẳng tín dụng gia tăng, chỉ số điều kiện tài chính Nomura-KRFCI của chúng tôi đã thắt chặt đến mức cao nhất trong tháng 10 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”.
Niềm tin nhà đầu tư sụt giảm
Mối lo ngại của nhà đầu tư đối với các công ty Hàn Quốc cũng lan sang thị trường trái phiếu nước ngoài, sau khi các công ty bảo hiểm nhân thọ Heungkuk Life Insurance và DB Life Insurance cho biết họ sẽ không hoàn trả trái phiếu vĩnh viễn bằng đô la Mỹ vào ngày thu hồi dự kiến, với lý do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Trái phiếu vĩnh viễn là trái phiếu không có ngày đáo hạn, nhưng thị trường đang xem thông báo của các công ty như một dấu hiệu cảnh báo vì người phát hành thường mua lại trái phiếu vĩnh viễn vào ngày thu hồi.
Sau đó, Heungkuk và DB đã thay đổi quyết định và kêu gọi sự hỗ trợ từ các công ty mẹ và các ngân hàng địa phương. Nhưng các nhà phân tích nói rằng, sự can thiệp của chính phủ là không phù hợp, vì chúng có thể khiến các công ty gặp rắc rối pháp lý.
"Chúng tôi thấy hành động của các cơ quan quản lý và chính quyền là khác thường. Mặc dù các hành động được thực hiện để ổn định sự biến động trên thị trường đồng won nội địa của Hàn Quốc và cho các tổ chức phát hành của Hàn Quốc trên thị trường đô la Mỹ, nhưng các quy trình này không cho thấy cơ quan quản lý hoặc công ty trong điều kiện tốt," Pramod Shenoi, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại CreditSights cho biết.
“Chúng tôi hiểu rằng, các tổ chức phát hành cũng không được phép hủy bỏ thông báo mua lại một cách hợp pháp sau khi nó đã được ban hành và một số nhà đầu tư đang xem xét hành động pháp lý chống lại Heungkuk Life”, ông cho biết.
CreditSights cho biết, các hành động khác thường do cơ quan quản lý Hàn Quốc chỉ đạo đã dẫn đến sự phục hồi của giá trái phiếu vĩnh viễn ở châu Á.
Các nhà đầu tư đang xem liệu sự mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp của Hàn Quốc có lan sang thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối hay không. Cho đến nay, thị trường chứng khoán của Seoul đã kiên cường vượt qua cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với chỉ số Kospi tăng hơn 14% kể từ cuối tháng 9. Đồng won của Hàn Quốc cũng đã tăng 7,4% so với đồng đô la trong cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, chi phí hoán đổi rủi ro tín dụng đối với trái phiếu chính phủ Hàn Quốc kỳ hạn 5 năm - một chỉ báo về rủi ro vỡ nợ - đã tăng mạnh trong vài tháng qua. Nó đã tăng hơn gấp đôi lên mức cao nhất trong 5 năm là 74,98 vào ngày 3/11 từ 32,73 hai tháng trước.
Mặt khác, các nhà kinh tế cho rằng, các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Hàn Quốc đủ mạnh để chống lại cuộc khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp.
“Thật vô nghĩa khi so sánh tình hình hiện tại với cuộc khủng hoảng ngoại hối trong quá khứ. Cổ phiếu tăng và tỷ giá hối đoái ổn định. Tôi cho rằng, có vẻ như thị trường đang thử thách Hàn Quốc giống như họ đã làm với Anh gần đây”, Oh Suk-tae, nhà kinh tế cấp cao tại Societe Generale cho biết khi đề cập tới cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.
Trong đó, BOK đang nắm giữ chìa khóa để giải quyết khủng hoảng, vì ngân hàng trung ương có thể làm chậm chu kỳ tăng lãi suất để ngăn lợi suất trái phiếu tăng thêm.