Sốt ruột chờ cấp phép eKYC
Chia sẻ kinh nghiệm số hóa của Ngân hàng China CITIC Bank (Hongkong), ông Michael Leung, Giám đốc thông tin và vận hành của ngân hàng này cho hay, trước đây, muốn mở một tài khoản tại China CITIC Bank, khách hàng phải đến tận nơi, mất ít nhất nửa tiếng để trình và ký đủ loại giấy tờ. Tuy nhiên, sau khi áp dụng eKYC (cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, cung cấp các giấy tờ cần thiết qua Internet), lượng khách hàng của CITIC Bank đã tăng lên nhanh chóng.
“Điều quan trọng nhất để phát triển ngân hàng số là phải thuyết phục được cơ quan quản lý chấp nhận eKYC”, ông Michael Leung khẳng định.
Tại Việt Nam, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, khi phát triển ngân hàng số, một lượng lớn khách hàng được họ nhắm tới là những người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc đã có tài khoản tại ngân hàng khác. Tuy nhiên, đến nay, ngoại trừ TPBank, chưa có thêm ngân hàng nào được thí điểm eKYC, dù nhiều ngân hàng đã đề nghị NHNN.
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó giám đốc chuyển đổi Khối Ngân hàng số của MB nhận định: “Một ngân hàng số chỉ có thể phát triển nếu việc đăng ký sử dụng dễ dàng. eKYC là điều chúng tôi mong đợi để khách hàng có trải nghiệm tốt hơn”.
Trước đề nghị của nhiều ngân hàng thương mại, Vụ Thanh toán (NHNN) thừa nhận, muốn phát triển ngân hàng số thì việc cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn, đặc biệt là rủi ro lừa đảo, gian lận.
Thực tế, một số quốc gia xung quanh Việt Nam sau một thời gian thí điểm eKYC đã buộc phải siết lại quy định này, yêu cầu tất cả khách hàng mở tài khoản lần đầu phải đến nhà băng để xác thực trực tiếp, thay vì xác thực từ xa như trước.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, những hành vi gian lận, lừa đảo, tấn công mạng có xu hướng gia tăng. Do đó, nếu sớm cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, thì các ngân hàng có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro khó kiểm soát.
Dữ liệu chưa liên thông, nguy cơ lừa đảo rất lớn
Áp dụng eKYC tiện lợi và có tính bảo mật cao, nên đã được nhiều nước áp dụng thành công. Tiêu biểu như tại Ấn Độ, nhờ có cơ sở dữ liệu quốc gia tốt mà nước này có thể thực hiện xác minh thông tin khách hàng điện tử một cách nhanh chóng…
Một khi phụ thuộc vào khách hàng số, sản phẩm số, nhà băng phải đối mặt với nhiều nguy cơ về bảo mật như tấn công mạng, ăn cắp dữ liệu khách hàng… Do đó, các ngân hàng cần tính toán kỹ khi chuyển đổi số hóa.
- Ông Il Dong Kwon, Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn Oliver Wyma
Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa áp dụng được eKYC là do cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất hạn chế.
Ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc công nghệ của IBM Việt Nam cho rằng, dữ liệu Việt Nam hiện nay không liên thông, không sạch, không đồng nhất, nên rất khó áp dụng eKYC.
Một trong những ví dụ cho việc dữ liệu của Việt Nam chưa “sạch” và chưa liên thông là vẫn còn nhiều người sử dụng chứng minh thư cũ, có thể dễ dàng thay bằng ảnh người khác, nên dễ bị làm giả để lừa đảo.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, NHNN đã nhận thấy nguy cơ này trong quá trình cùng TPBank thí điểm eKYC. Theo ông Dũng, để triển khai rộng rãi eKYC như một số nước, trước hết, Việt Nam cần có kho dữ liệu quốc gia như các nước này. Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của kho dữ liệu dùng chung này, song việc xây dựng không phải là điều đơn giản.
Trong bối cảnh hiện tại, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Công ty EY Việt Nam cho rằng, NHNN có thể cho phép ứng dụng eKYC theo lộ trình hoặc với một số giới hạn nhất định. Bên cạnh đó, Chính phủ nên cho phép ngân hàng thương mại truy cập hệ thống dữ liệu căn cước công dân rút ngắn thời gian định danh khách hàng, đẩy nhanh sự phát triển của ngân hàng số.