Mối liên hệ thú vị giữa Putin, đồng Rúp và giá dầu

Mối liên hệ thú vị giữa Putin, đồng Rúp và giá dầu

(ĐTCK) Người Nga đang truyền tai nhau một câu nói đùa khá thú vị về mối tương quan giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, giá dầu mỏ và giá trị đồng rúp so với đồng đô la Mỹ (USD). Đó là cả 3 sẽ cán mốc 63 vào năm 2015: ông Putin 63 tuổi, giá dầu 63 USD/thùng và 63 rúp đổi 1 USD.

Ông Putin sẽ kỷ niệm sinh nhật thứ 63 của mình vào ngày 7/10/2015. Trong khi đó, giá dầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục của 5 năm, khi xuống 67,53 USD/thùng vào tuần này, còn đồng rúp cũng rớt giá thảm hại xuống gần ngưỡng 55 rúp đổi 1 USD. Như vậy, nếu đồng rúp mất giá thêm 13%, câu nói đùa trên sẽ trở thành hiện thực.

Trên thực tế, lời nói đùa về mối tương quan giữa Tổng thống Putin, giá dầu mỏ và giá đồng rúp xuất hiện trong bối cảnh Chính phủ Nga đang phải đối phó với lệnh trừng phạt gay gắt của Mỹ và phương Tây xung quanh vấn đề xung đột với Ukraine. Sức ép từ Mỹ và châu Âu tạo ra một bức tường rào kinh tế nhằm cô lập Nga và bản thân Moscow cũng đang phải tìm mọi cách kháng cự lại những khó khăn và thách thức này -  điều chưa từng xảy ra kể từ thời chiến tranh lạnh.

Một người bạn của Tổng thống Putin cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không có tác dụng vì Mỹ và Liên minh châu Âu không hiểu sức mạnh tinh thần của người Nga - quốc gia đã trụ vững trong cuộc bao vây tại Leningrad hơn 2 năm trong Thế chiến thứ II. Cùng chung quan điểm, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chính trị quốc tế tại Moscow, Evgeniy Minchenko cho rằng: “Phương Tây đã sai khi đánh giá nhầm động lực của ông Putin. Họ nghĩ ông Putin là một doanh nhân và tiền bạc là thứ quan trọng nhất đối với ông, nên việc gây sức ép kinh tế đối với Putin và đồng minh sẽ khiến ông sụp đổ”.

Theo kết quả khảo sát do Trung tâm Levada (có trụ sở tại Moscow) thực hiện tuần qua, một nửa số người được hỏi cảm thấy không gặp bất cứ khó khăn nào phát sinh do các lệnh trừng phạt của phương Tây và khoảng 31% khác cho rằng vấn đề này là không nghiêm trọng. Một thăm dò khác cũng do Levada thực hiện trong tháng 11 cho thấy, tới 86% người Nga tại 134 địa phương cảm thấy tự hào khi sinh sống tại Nga. Bản thân Tổng thống Putin vẫn nhận được 85% số phiếu ủng hộ của người dân, cho dù tỷ lệ này đã giảm 3 điểm phần trăm so với tháng 10.

Sức mạnh tinh thần là vậy, song không thể phủ nhận kinh tế Nga thực sự đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bộ Phát triển Kinh tế Nga thừa nhận, quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái khi tăng trưởng GDP sụt giảm 0,8% trong năm 2015, điều chỉnh so với mức tăng 1,2% trong dự báo trước đó. Tỷ lệ lạm phát tại Nga hiện ở mức 8%, dự kiến tăng lên 9% trước khi kết thúc năm 2014 và tiếp tục tăng lên 2 con số vào đầu năm 2015. Trong khi đó, theo tính toán của Chính phủ Nga, giá dầu tụt dốc xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng sẽ khiến ngân sách quốc gia thiệt hại tới 140 tỷ USD/năm. Chuyên gia kinh tế PetraKuraliova tại TradeNext nhận định, kinh tế Nga đang trải qua nhiều dấu hiệu “báo động đỏ”. Nếu Tổng thống Putin không thực hiện những thay đổi quyết liệt thì tình hình tại Nga có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Thời gian không chờ đợi ông Putin và lòng tin của giới đầu tư bị thử thách nghiêm trọng khi dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy khỏi Nga. Bộ Phát triển Kinh tế Nga ngày 2/12 dự báo, lượng vốn ròng “tháo chạy” ra khỏi đất nước có thể lên tới 125 tỷ USD trong cả năm 2014. Chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Trung ương, dòng vốn chảy ra nước ngoài, đồng rúp mất giá và các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ tiếp tục góp phần đẩy lạm phát gia tăng và chi phí vốn cao hơn.

Đánh giá về tình hình hiện nay, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi của Standard Bank, Timothy Ash cho rằng: “Trong ngắn hạn, quyền lực của Tổng thống Putin sẽ không thay đổi, bởi lẽ phương Tây cũng không dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai đó thay thế Putin. Mọi thứ khi đó có thể còn tồi tệ hơn trước. Tuy nhiên, ông Putin thực sự đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa chấp nhận đương đầu với sự cô lập hay đàm phán với phương Tây để thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế - điều thực sự có lợi cho cả hai phía”.  

Tin bài liên quan