VASEP đề nghị bỏ các sản phẩm thủy sản (trừ sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh) khỏi danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch

VASEP đề nghị bỏ các sản phẩm thủy sản (trừ sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh) khỏi danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch

Mỗi lần sửa văn bản, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lại... dài hơn

0:00 / 0:00
0:00
Không thể tái diễn tình trạng mỗi lần sửa đổi văn bản là một lần danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lại rộng hơn, dài hơn.

Doanh nghiệp soi Nghị quyết 02

Việc sửa đổi danh mục kiểm dịch thú y mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành nhận được nhiều kỳ vọng từ giới kinh doanh. Ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại (TFP) đã nhắc đến điều này khi tham gia góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ban hành mã số HS đối với hàng hóa thuộc thẩm quyền của Bộ. “Tinh thần của Dự thảo thể hiện rõ các nội dung chỉ đạo tại các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Bình lý giải.

Với việc chi tiết mỗi sản phẩm có mã HS sẽ thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành bởi quy định của văn bản luật nào (ví dụ Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm hay Luật Chất lượng hàng hoá), cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng sẽ thấy rõ phạm vi hàng hoá nào sẽ thuộc quyền quản lý bởi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Quan trọng là danh mục này đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Danh mục hàng hóa xuất khẩu Việt Nam (ban hành kèm theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính).

Thực tế, doanh nghiệp than phiền khá nhiều về việc áp mã HS này. Không ít trường hợp, doanh nghiệp khai mã HS theo quy định của bộ quản lý chuyên ngành, nhưng cơ quan hải quan lại áp mã khác, gây nên rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc thống nhất đầu mối kiểm tra chuyên ngành của Bộ này cũng là tin mừng.

Nhưng đây cũng là lý do ông Bình cho rằng, nên bổ sung các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong các mục đích của việc sửa đổi lần này. Ngay trong việc thực hiện một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, ông Bình vẫn thấy các hồ sơ, thủ tục khác nhau cho kiểm dịch động vât, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng, dù một số mặt hàng phải thực hiện cùng lúc 3 yêu cầu quản lý.

“Theo tôi, pháp luật hóa chỉ đạo của Chính phủ về cải cách toàn diện các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các nghị quyết về môi trường kinh doanh là vô cùng cần thiết. Doanh nghiệp chỉ thực sự hưởng lợi khi các bộ, ngành thực hiện được điều này”, ông Bình nói.

Cần phải nhắc lại, Nghị quyết 02/2021/NQ-CP đã nhắc rõ yêu cầu tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 và 2020). Riêng về nội dung kiểm tra chuyên ngành, Nghị quyết 02/2020/NQ-CP đã yêu cầu cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành, thực hiện mỗi mặt hàng chỉ có một đầu mối duy nhất thực hiện kiểm tra chuyên ngành…

Kiên quyết yêu cầu nguyên tắc cắt giảm phải được tuân thủ

Tuy nhiên, sự rõ ràng, dễ hiểu của Dự thảo Thông tư mà các doanh nghiệp đang dành lời khen cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ là phần hình thức. Điều mà doanh nghiệp chờ đợi là nguyên tắc cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành của bộ này lại chưa rõ ràng, dễ hiểu.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản góp ý trực tiếp nội dung này vì cho rằng, việc duy trì mở rộng các đối tượng, danh mục “hàng chế biến” phải kiểm dịch như Dự thảo là biện pháp quá mức và không cần thiết. “Khái niệm ‘sản phẩm động vật’ đã được mở rộng quá mức quy định tại Luật Thú y. Nội dung này cũng chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật, cũng như thông lệ quốc tế hiện hành”, VASEP viết trong văn bản góp ý gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

VASEP phân tích, Luật Thú y quy định, các loại sản phẩm hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục phải kiểm dịch động vật chỉ bao gồm động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản có trong danh mục. Luật Thú y không quy định sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuộc diện phải kiểm dịch động vật.

Luật An toàn thực phẩm cũng có quy định về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm, trong đó quy định thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật mới phải có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y. Đối với thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, chỉ phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, các thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại quy định về kiểm dịch đối với “sản phẩm động vật” theo hướng sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (kể cả loại bao gói sẵn) đều thuộc diện phải kiểm dịch động vật.

Ngay trong giai đoạn 2015-2020 là giai đoạn năm nào cũng có nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, thì yêu cầu kiểm dịch thủy sản nhập khẩu lại tăng lên đáng kể.

“Chúng tôi hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết phải kiểm dịch chặt chẽ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp đá. Nhưng về mặt khoa học và quản lý, không áp dụng tương tự cho các sản phẩm thực phẩm (dùng cho người) ở dạng chế biến (đông lạnh, chín, đóng bao bì kín….), vì về nguyên tắc, các mặt hàng thủy sản đông lạnh và sản phẩm chế biến chín, đóng bao bì kín (như đồ hộp, hàng khô tẩm gia vị ăn liền…) không thể mang và không có nguy cơ mang theo mầm bệnh và không thể gây ra lây lan dịch bệnh cho thủy sản trong môi trường xung quanh”, VASEP phân tích về đề nghị loại bỏ các sản phẩm thủy sản (trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh) ra khỏi danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch theo Luật Thú y.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị cân nhắc phương thức quản lý với một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng lại không sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Trong trường hợp này, chúng tôi đề nghị không phải kiểm tra chuyên ngành theo quy định của thông tư này. Ví dụ, cùng là mặt hàng Zeolite (khoáng chất silicat nhôm, dùng xử lý nước ao tôm, làm trong nước…), nhưng doanh nghiệp nhập về làm nguyên liệu sản xuất bột giặt”, ông Phạm Thanh Bình đề xuất.

Trong 10 năm qua (2010-2020), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 4 thông tư hướng dẫn, quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, càng về sau, “danh mục hàng thủy sản” nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn, dù không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.

Tin bài liên quan